Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH


Trước những diễn biến mới của tình hình và nhiệm vụ cách mạng, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, phản bác những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái, thù địch ngày càng diễn biến phức tạp. Nhưng bằng sự chủ động, tích cực của toàn Đảng, toàn dân, công tác đấu tranh phản bác thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn lại trong cuộc đấu tranh này vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập. Điều này được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chỉ rõ: “Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”.

Ngoài những yếu tố khách quan từ những tác động tiêu cực của tình hình thế giới và trong nước, một nguyên nhân mà mỗi chúng ta cần nhận rõ, đó là sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch thông qua đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”. Chúng thường lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” và khoét sâu những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc tình hình; tung ra những quan điểm sai trái hòng gây ra sự hoài nghi, lung lay trong tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong khi đó, có lúc, có nơi việc nhận thức chưa đầy đủ, chưa chủ động, nhạy bén và thiếu các giải pháp phù hợp để định hướng thông tin, trên cơ sở đó tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị. 

     Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc hết sức tinh vi, xảo trá hòng làm chao đảo, lung lay nhận thức, tư tưởng, niềm tin của quần chúng nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng ta. Theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc hòng làm suy giảm niềm tin, tạo ra trong nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ một “khoảng trống” về mục tiêu lý tưởng, lịch sử truyền thống và thành tựu của cách mạng. “Nội công, ngoại kích” là chiêu bài rất nham hiểm mà các thế lực thù địch phản động thường xuyên sử dụng nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Để áp dụng chiêu thức này hiệu quả, chúng tìm mọi cách tiếp cận, móc nối, lôi kéo, kích động, tiếp sức cho những phần tử thoái hóa, biến chất, bất mãn với chế độ,… để sử dụng làm công cụ, tay sai, phủ nhận thành quả cách mạng, phóng đại những khuyết điểm, yếu kém nhằm tạo ra những bức xúc trong dư luận, những điểm nóng trong xã hội. Chúng coi những phần tử thoái hóa, biến chất “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là lực lượng nòng cốt đi đầu để chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam. 

    Những năm qua, các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để khẳng định tính cách mạng khoa học của mục tiêu lý tưởng, của đường lối, chủ trương, chính sách và những thành tựu của cách mạng chưa được quan tâm đúng mức. Tính thuyết phục trong tuyên truyền đấu tranh phản bác còn hạn chế. Để khắc phục, đòi hỏi chúng ta phải chủ động hơn nữa trong tổ chức các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Kết quả của hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chính là cơ sở khoa học để chúng ta nâng cao tính thuyết phục trong phản bác các luận điệu xuyên tạc và những âm mưu, thủ đoạn chống phá.

    Sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Tính chất phức tạp, cam go và quyết liệt của cuộc đấu tranh đòi hỏi phải huy động được sức mạnh tổng hợp. Điều này chỉ được tạo ra khi các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị có sự chủ động phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất. Thực tế thời gian qua cho thấy trong từng nhiệm vụ, từng nội dung đấu tranh cần tránh hô hào chung chung mà phải phân rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị trong cơ chế, quy chế phối hợp thống nhất.

    Cùng với đó là sự chủ động của các cơ quan chức năng trong công tác theo dõi, thanh tra, kiểm tra, định hướng với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ bị móc nối, lôi kéo, để họ không tiếp tay cho kẻ xấu, không mắc mưu các thế lực thù địch. Sự chủ động trong quản lý, nắm bắt tình hình, phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm đấu tranh của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị chức năng cũng rất cần được quan tâm. 

    Chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục của các tổ chức, đoàn thể là rất cần thiết nhưng quan trọng và quyết định hơn vẫn là sự chủ động trong rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích cực học tập nâng cao trình độ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân. Bởi đó chính là yếu tố cơ sở nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân chủ động, tích cực, tự giác tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch vốn ngày càng phức tạp, khó khăn, lâu dài và cam go.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét