Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

ÂM MƯU PHÁ HOẠI NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN VỚI ĐẢNG

 

Chỉ còn vài tháng nữa, Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển đất nước. Cán bộ, đảng viên và nhân dân rất kỳ vọng và đặt niềm tin vào Đại hội. Mong rằng Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn những cán bộ có đức, có tài để lãnh đạo đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, càng đến gần Đại hội thì các thế lực thù địch chống phá ngày càng rầm rộ hơn. Đặc biệt là vấn đề nhân sự luôn trở thành trọng tâm. Từ việc nói xấu, đặt điều vu khống các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng cho đến xuyên tạc mâu thuẫn nội bộ bằng cách dựng lên câu chuyện "phe cánh"… Chúng đưa ra những bài viết, bình luận kiểu như "Việt Nam đã chọn xong người làm Tổng Bí thư", "Cuộc bỏ phiếu là sự đấu tranh giữa các phe phái trong Đảng"…Gắn liền với đó, chúng cho rằng công tác cán bộ của Đảng là không dân chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu "áo gấm đi đêm"; việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ "không có dân chủ"… Âm mưu này không chỉ làm nhiễu thông tin về cán bộ, phá hoại công tác nhân sự của Đại hội mà nguy hiểm hơn, nó còn phá hoại niềm tin của nhân dân với Đại hội, với Đảng, với chế độ và hệ thống chính trị, tiến tới đòi "đa nguyên, đa đảng", tìm cách xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều nguy hiểm là thông tin giả, tin đồn thất thiệt về nhân sự đưa ra với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước lại được một số người nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, hoặc vì những động cơ xấu đã phát tán, chia sẻ, lan truyền. Không ít người cho rằng, mạng xã hội là môi trường "ảo" nên cứ thoải mái phát ngôn, tự do thông tin. Chính những hành động, lời lẽ thiếu suy nghĩ của họ đã vô tình tiếp tay để các thế lực thù địch, chống đối suy diễn, lợi dụng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận nhân dân.

Xét về góc độ pháp lý, rõ ràng việc sử dụng các phương tiện truyền thông để đăng phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Nhìn từ góc độ đạo đức, những biểu hiện xuyên tạc, bịa đặt, hạ thấp uy tín cán bộ thông qua MXH, đơn thư nặc danh, mạo danh là việc làm mờ ám, vụng trộm, không trong sáng, không nhân văn giữa con người với con người. Nếu động cơ trong sáng, thực sự vì sự tiến bộ của người khác, vì sự vững mạnh của tập thể, vì sự ổn định, phát triển của đất nước thì không thiếu hình thức, biện pháp phê bình, góp ý dân chủ, công khai, minh bạch. Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bịa đặt, vu khống uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật còn nhiều gian nan, nhất là khi công nghệ ngày càng phát triển. Nhưng đáng mừng là đa số người dân vẫn luôn cảnh giác với thông tin xấu độc, nhiều người tự trang bị cho mình những màng lọc, những kiến thức cần thiết để có thể phân biệt đúng - sai, thật - giả, xấu - tốt, để không bị lây nhiễm, dẫn dắt bởi cái xấu. Và quan trọng hơn, họ luôn có niềm tin vào Đảng. Sự quan tâm theo dõi của người dân đến công tác cán bộ của Đảng, những thông tin về công tác chuẩn bị, nhất là chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII là điều dễ hiểu và đáng mừng. Bởi lẽ có lo lắng, quan tâm đến tương lai, vận mệnh của dân tộc, đường hướng phát triển của đất nước thì nhân dân mới có nhu cầu thông tin về công tác chuẩn bị đại hội đảng. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa, xử lý nghiêm minh hơn nữa những hành vi chống phá, xuyên tạc Đại hội Đảng thì vấn đề rất quan trọng cần thực hiện tốt là công khai, minh bạch thông tin. Đồng thời, mỗi người dân cần tỉnh táo, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng mỗi khi định chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến Đại hội Đảng. Đừng để mình trở thành "con rối", tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét