Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

KHÔNG COI TRỌNG GIÁO DỤC SẼ LÀ "THẢM HOẠ" CỦA SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI!!!

 

Khổng Tử nói: "nhân chi sơ tính bản thiện", Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/phần nhiều do giáo dục mà nên". Tư tưởng đó ý nhắc nhở rằng: Con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, do đó cần phải luôn được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển, để tính dữ không có điều kiện nảy sinh. Muốn xây dựng CNXH, cần có những con người XHCN! Để thế hệ tương lai là chủ nhân của đất nước, bảo đảm "vừa hồng vừa chuyên" thì giáo dục phải là quốc sách hàng đầu. Vậy nên, không nghiễm nhiên mà 2 từ giáo dục luôn đứng trước 2 từ đào tạo!

Ngày xưa, ông cha ta tôn sư trọng đạo, các thầy đồ được xem trọng, thậm chí xã hội đặt vị trí của người thầy hết sức trang trọng "QUÂN - SƯ - PHỤ" là thế. Đúng là trong những năm qua, giáo dục ngày càng có những chủ trương rất kỳ lạ như: không được phê bình học sinh trước lớp, không được đuổi học học sinh, cho học sinh nhiều cái quyền cao hơn cả giáo viên. Khổ cho những người thầy, cô vì họ phải "vạn bề thọ địch". Để học sinh hư hỏng, yếu kém thì lại bị nhà trường, phụ huynh công kích là "dạy không ra hồn", quở trách, mắng, phạt học sinh bằng một số hình thức mà trước đây xem là bình thường như quỳ, úp mặt vào tường...thì ngay lập tức bị cánh báo chí cho lên trang nhất, dư luận dậy sóng, rồi thì đình chỉ dạy, rồi thì kỷ luật, rồi thì "lên bờ xuống ruộng", rồi thì đuổi việc.

SGK thì chẳng khác gì mớ canh rau tập tàng, đủ loại, đủ kiểu, nhăng, cuội có cả. Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, vậy thì sao gọi là khuyến khích phát triển tư duy. Không thành rô bốt thì là gì?

Người ta còn có ý tưởng bỏ khẩu hiệu "TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN" vì rằng nó không còn phù hợp. Nguyễn Du viết "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, giáo dục đạo đức cho con trẻ là yếu tố sống còn, nếu bỏ câu khẩu hiệu đó thì chắc phải thay bằng câu: TIÊN HỌC PHÍ, HẬU HỌC VĂN! mới thoả cho cái lý luận "học phí thấp thì khó đòi hỏi chất lượng cao".

Bạo lực học đường ngày càng tăng, các cháu vô cảm, thờ ơ đến mức cả lớp đứng nhìn, quay video cảnh học sinh đánh bạn dã man. Thật sự đau lòng! Đúng là chúng ta đang buông lỏng giáo dục, chỉ chăm chăm tập trung cho đào tạo, đủ các loại hình đào tạo ra đời và phát triển như hoa mùa Xuân. Chẳng trách mà Giáo sư, Tiến sĩ, Cử nhân, Kỹ sư ở VN ngày càng nhiều hơn cả thợ giỏi, biến VN thành cường quốc của các loại văn bằng. Đến lúc phải nói trắng phớ với nhau rằng, đào tạo nhiều thì nguồn thu nhiều chứ giáo dục thì được bao nhiêu! Lòng tự hào dân tộc ở đâu khi mà người ta đòi tích hợp môn lịch sử, xem lịch sử chỉ là môn học phụ? Tự chịu trách nhiệm với lời nói và hành động của mỗi người ở đâu ra khi mà trẻ em sai không cho phép thầy cô phê bình, uốn nắn trước lớp? Vậy nên khi lớn lên, có sai lầm, khuyết điểm thì cũng nhơn nhơn cái mặt ra chứ chưa thấy từ chức, dù dân phản đối dữ dội.

Ngẫm về giáo dục ngày nay, không thể không lo lắng cho tương lai của nước nhà. Đúng là phát biểu của đại biểu KSOR H' BƠ KHẮP (Gia Lai) hoàn toàn có lý, sẽ là "thảm hoạ" cho đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét