Sự phát triển của công nghệ
thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng đã thay đổi bộ mặt của xã hội,
biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể. Tầm ảnh hưởng của không
gian mạng đã vượt xa ý nghĩa ban đầu là phục vụ quân sự, trở thành nguyên nhân,
động lực, môi trường, chất xúc tác cho hàng loạt các thay đổi căn bản trên các
mặt của đời sống xã hội loài người. Tuy nhiên, với khả năng kết nối vô hạn,
không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, không gian mạng đã và đang đặt ra
nhiều thách thức đối với các quốc gia. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng Mỹ William Lynn nhấn mạnh: “Không gian mạng là một lãnh thổ quan trọng ngang hàng các lãnh
thổ khác trong chiến tranh như trên đất liền, trên biển, trên không và trong
không gian”.
Phát biểu tại Hội nghị báo cáo
viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc diễn
ra ngày 06-6-2017 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và
Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quang Tự Do khẳng định: “Mạng xã hội đang phát triển như một xu thế tất
yếu do nhu cầu tìm kiếm thông tin, thiết lập, duy trì các mối quan hệ cá nhân
hay chia sẻ tâm tư, giải trí của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ. Thông
tin trên mạng xã hội đều có những mặt tích cực, tiêu cực và đặc biệt là không
có sự kiểm chứng gây nên tác động xấu trong xã hội”. Cùng quan điểm này, tác giả Đỗ Đình Tấn trong cuốn sáchBáo chí và mạng xã hội cũng cho rằng: “Mạng xã hội như một tấm huy chương và tính chất hai mặt của công
cụ này hoàn toàn tùy thuộc vào người sử dụng nó”.
Thời gian qua, các thế lực thù
địch, nhất là các tổ chức phản động lưu vong người Việt tăng cường hoạt động
chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi,
nham hiểm, xảo quyệt và một trong những thủ đoạn mà chúng ưu tiên là lợi dụng
sự phát triển của mạng xã hội vào hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước,
tập trung vào những vấn đề như: Phê phán, đả kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, dân tộc,
tôn giáo; truyền bá các giá trị của xã hội tư bản, lối sống thực dụng phương
Tây; đưa tin sai lệch về tình hình nội bộ của Việt Nam, bịa đặt việc có sự chia
rẽ, mâu thuẫn trong giới lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước... Đáng chú ý, lực
lượng Công an nhân dân đã phát hiện dấu hiệu các thế lực thù địch và bọn tội
phạm đã và đang tiến hành những chiến dịch tuyên truyền chống phá với trọng tâm
là bôi nhọ, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước có
cường độ cao, biên độ rộng và trong khoảng thời gian dài.
Thủ đoạn mà các thế lực thù địch
và bọn tội phạm sử dụng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã
hội là: (1) Thiết lập các trang web, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ” trên mạng
nhằm tán phát tài liệu phản động và truyên truyền phá hoại tư tưởng. (2) Đăng
tải các bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng,
Nhà nước Việt Nam trên mạng xã hội. (3) Sử dụng không gian mạng để tuyên
truyền, kích động, kêu gọi khủng bố gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Thời gian qua, Công an nhân dân
đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức nhiều biện pháp đấu tranh ngăn
chặn hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm tuyên truyền chống
Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật
tự, an toàn xã hội, đã kịp thời đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều chiến
dịch tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch... Tuy nhiên, bên cạnh
những kết quả đạt được, công tác này cũng còn những hạn chế, chúng ta chưa ngăn
chặn được triệt để các trang mạng thường xuyên cung cấp, tuyên truyền thông tin
xấu, độc, dẫn đến tác động tiêu cực tới nhận thức, niềm tin của các tầng lớp
nhân dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta...
Để khắc phục hạn chế, góp phần
nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch lợi
dụng mạng xã hội chống phá cách mạng Việt Nam, thời gian tới, lực lượng Công an
nhân dân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một
là, tăng cường quản lý nhà
nước về an ninh quốc gia đối với mạng xã hội.
Để đấu tranh có hiệu quả với
hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội, yêu cầu cần
thiết đặt ra là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc gia
đối với mạng xã hội. Theo đó, lực lượng Công an nhân dân cần chủ động tham mưu,
phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng xây dựng và hoàn thiện chính
sách pháp luật về quản lý mạng làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước. Các văn
bản quy phạm pháp luật này phải vừa mang tính định hướng nội dung thông tin cho
người dùng Internet, vừa có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những hành
vi cố ý vi phạm, sử dụng mạng xã hội để tiến hành các hoạt động gây nguy hại
đến an ninh quốc gia. Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để
thống nhất chỉ đạo, xác định rõ chế tài xử lý đối với các hành vi sai phạm, đặc
biệt cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan
làm cơ sở cho công tác phòng ngừa và đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm của các
loại đối tượng trước pháp luật.
Hai
là, chủ động nắm tình hình,
phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để đấu tranh ngăn chặn. Theo
đó, công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Phát hiện
các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch;
phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng,
Nhà nước trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn
mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã
hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền phá chống
phá Đảng, Nhà nước; phát hiện những bất cập, hạn chế của các biện pháp, công
tác nghiệp vụ đã và đang được triển khai...
Để nắm tình hình có hiệu quả,
đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân cần sử dụng tổng hợp các lực lượng, phương
tiện, biện pháp, công tác, thường xuyên rà quét, lên danh sách các trang web,
blog, diễn đàn có nội dung phức tạp, các đối tượng viết bài trên những trang
mạng này (có thể là tên thật hoặc nickname, bút danh); khai thác thông tin trên
các trang web, blog, diễn đàn để xác định được đối tượng sở hữu, quản lý, viết
bài và đề xuất biện pháp xử lý.
Ba
là, chủ động ngăn chặn việc
truy cập vào các trang mạng xã hội được các thế lực thù địch sử dụng vào hoạt
động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Để làm được điều đó, cần tăng
cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với mạng xã hội và chủ động sử dụng các
biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một
cách có hiệu quả. Đồng thời, chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ,
tính toán sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn một cách triệt để.
Đặc biệt, phải phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng “tường lửa” để
ngăn chặn; chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm
quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn mạng xã hội, sau đó xóa
dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc làm nghẽn việc truy cập vào các trang mạng có nội
dung “độc hại” trong một thời gian nhất định.
Bốn
là, đẩy mạnh hoạt động đấu
tranh phản bác luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch trên
mạng xã hội.
Theo đó, Công an nhân dân cần
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh hoạt động
đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu thù địch, sai trái của các đối tượng
thù địch, phần tử xấu trên mạng xã hội. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trên
trận tuyến đấu tranh phản bác, lực lượng Công an nhân dân cần phải đa dạng hóa
hoạt động đấu tranh phản bác trên mạng xã hội theo hướng: Tính toán thiết lập
và sử dụng các trang web, blog, diễn đàn để đăng tải các bài viết với nội dung
tuyên truyền phản bác, định hướng dư luận hoặc tiến hành đấu tranh phản bác
ngay tại các trang mạng “độc hại” được đối tượng sử dụng; mở rộng đội ngũ cộng
tác viên có khả năng đưa tin, viết bài; nâng cao chất lượng các bài viết đấu
tranh phản bác; thường xuyên tổ chức các buổi “nói chuyện cảnh giác” hoặc chủ
động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí để viết bài đấu
tranh phản bác...
Năm
là, thu thập, củng cố tài
liệu, chứng cứ làm cơ sở cho việc đấu tranh, xử lý đối tượng khi cần thiết. Để
làm tốt việc này, lực lượng Công an nhân dân phải chú ý thu thập, củng cố tài
liệu, chứng cứ phản ánh hành vi phạm tội của đối tượng, phong tỏa thông tin...
nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh, xét xử đối tượng trước pháp luật.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc thận trọng việc lựa chọn thời điểm tiến hành, tội
danh áp dụng, không để tạo ra những sơ hở, thiếu sót cho các thế lực thù địch
lợi dụng vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, tạo cớ can thiệp vào quá trình
điều tra, xử lý đối tượng. Khi cần thiết, phải công khai vạch trần bản chất,
hoạt động vi phạm pháp luật của đối tượng và biện pháp xử lý của lực lượng chức
năng để hướng dư luận đồng tình, ủng hộ.
Không gian mạng là “lõi” của
thế giới kết nối. Thế giới kết nối làm con người gần nhau hơn, hưởng lợi và
chấp nhận thách thức nhiều hơn. Tận dụng tốt mọi cơ hội, thế giới kết nối sẽ
mang lại sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội cũng như nên hòa bình trên
phạm vi toàn cầu; ngược lại, nếu không giải quyết tốt các thách thức sẽ dẫn đến
thảm họa khó lường. Nhận định đó là rất đúng và trúng với những gì đang diễn ra
trên mạng xã hội. Đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù
địch trên mạng xã hội tiếp tục là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức đối với
lực lượng Công an nhân dân cả trong hiện tại và tương lai. Việc thực hiện tốt
những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với
hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch trên mạng xã
hội trong thời gian tới.
Văn Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét