Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VỀ CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI TRÊN MẠNG INTERNET



                                                       

 Một trong những phương thức hoạt động “diễn biến hòa bình” (DBHB) được các thế lực thù địch tiến hành đối với Việt Nam hiện nay là tận dụng công cụ thông tin hiện đại - mạng internet, tiến hành chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Trong đó, phương thức truyền bá các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị trên mạng internet nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam được các thế lực thù địch triệt để sử dụng. 
Có thể nói rằng chưa bao giờ các thế lực phản động lại ráo riết, điên cuồng chống phá ta như thời điểm này. Thể hiện rõ nhất là chúng tung lên mạng với số lượng rất lớn thông tin sai trái, thù địch. Tính chất phản động, mục tiêu chống phá thể hiện rõ ở một số nội dung trọng điểm như: xuyên tạc, phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng ta - chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, bài bác Cương lĩnh, đường lối của Đảng; bôi nhọ nhân sự cấp cao và chia rẽ đoàn kết nội bộ nhằm làm giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Do đặc thù của internet là tốc độ truyền thông tin nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng... nên những quan điểm sai trái trên mạng internet có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến nhiều đối tượng. Thực tế cho thấy thời gian qua không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này. Cũng từ đó, một trong những hệ quả nguy hiểm của thủ đoạn này là gây mất phương hướng, sa sút niềm tin, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chúng ta nhận thức rõ ràng sự tác động xấu từ các quan điểm sai trái trên mạng đối với xã hội hiện nay và trong thời gian tới sẽ là không nhỏ. Vậy làm thế nào đề nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng internet, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, ổn định niềm tin của nhân dân với nền tảng tư tưởng, với Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Thiết nghĩ, về cả trước mắt và lâu dài, để làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của các tầng lớp nhân dân, của cộng đồng cư dân mạng trong cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng internet. 
Cần kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính trong thời đại “thế giới phẳng”, “cuộc sống số”, với tư cách là thông tin - thông tin quan điểm sai trái cũng là một dạng tài nguyên thông tin trên mạng internet. Cấm đoán công dân khai thác thông tin là một phạm trù thật khó có thể thực hiện trong một xã hội thông tin hiện đại. Vấn đề tất yếu là chúng ta phải có những giải pháp tối ưu giảm thiểu sự truy nhập, tìm kiếm thông tin sai trái và tác động của nó đối với nhận thức của những chủ thể với tư cách đối tượng tiếp cận thông tin. Vũ khí tối ưu đó chính là cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin chính thống trên mạng. Khi nhu cầu thông tin được đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái sẽ hạn chế đi rất nhiều, ngoại trừ những cá nhân do tò mò hay các lý do khác.
Đồng thời với “xây” phải tăng cường “chống”, thường xuyên đấu tranh, bác bỏ quan điểm sai trái, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch; nêu cao ý thức chủ động tiến công làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Trong “chống”, chúng ta phải chống triệt để, không thể thỏa hiệp, hữu khuynh với những quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch liên quan đến những vấn đề cốt tử của chế độ ta. Muốn “chống” có hiệu quả, giành thế chủ động trong cuộc đấu tranh tư tưởng trên mạng internet, phải đảm bảo tính kịp thời, nhanh nhạy, phải đổi mới phương thức, phương tiện phê phán, đấu tranh. Để thực hiện phương châm “xây” tốt và “chống” tốt thì phải đảm bảo sự ổn định chế độ chính trị. Và ngược lại, chính sự ổn định chế độ chính trị mới đảm bảo cho việc thực hiện tốt phương châm này. Đó là tiền đề, là điều kiện cơ bản cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và đời sống nhân dân, tạo cơ sở, niềm tin trên thực tiễn của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với CNXH, với con đường cách mạng Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phải huy động toàn xã hội, toàn dân tham gia cuộc đấu tranh này; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức tự giác, thành hành động tích cực trong phê phán, đấu tranh chống quan điểm sai trái. Tổ chức đấu tranh trực diện đối với những người cơ hội, lệch lạc về chính trị ngay từ cơ sở. Chú trọng việc tổ chức để các đoàn thể quần chúng như đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp... tham gia đấu tranh trên mạng internet đối với các quan điểm và hành động sai trái của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch.
Thường xuyên đổi mới phương thức, phương tiện đấu tranh để đối phó với các phương tiện hiện đại - thông qua mạng internet, cần đổi mới phương thức, xây dựng hệ thống phương tiện, kỹ thuật đủ sức mạnh, đủ khả năng tham gia vào hoạt động giao lưu thông tin quốc tế trong xu thế “thế giới phẳng”. Hệ thống đó vừa phải đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin chính thống của nhân dân nói chung, của cư dân mạng nói riêng, vừa phải đủ sức bảo vệ lợi ích kinh tế, định hướng chính trị, những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời đủ sức chiến đấu, phê phán phản bác các thông tin sai trái, độc hại trên mạng internet, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, của chế độ XHCN.
Văn Tuân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét