Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

NHỮNG MŨI TIẾN CÔNG VÀO CÁC NƯỚC CNXH VÀ CÁC NƯỚC KHÔNG CÙNG ĐƯỜNG LỐI, LỢI ÍCH



Mũi tiến công ý thức hệ trực diện nhất và khốc liệt nhất, không chỉ nhằm vào các nước xã hội chủ nghĩa đang tồn tại như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên,...và những nước đang hướng theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà còn nhằm triệt tiêu hoàn toàn tư tưởng xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn khả năng phục hồi và vươn dậy của các chính quyền cộng sản tại các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây. Như vậy, mũi tiến công này nhằm mục tiêu tổng quát là loại bỏ, tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa xã hội như một hình thái ý thức và như một hệ thống xã hội thế giới, bảo đảm sự toàn thắng “vĩnh viễn” của chủ nghĩa tư bản trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai hệ thống thế giới.
Xem xét vấn đề ý thức hệ trong quan hệ quốc tế hiện đại cần bắt đầu từ lợi ích quốc gia, từ sự phân tích mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và ý thức hệ. Ý thức đã trở thành một phần không thể thiếu trong lợi ích quốc gia và cuộc đấu tranh ý thức hệ đang bộc lộ rõ mâu thuẫn và xung đột lợi ích giữa các nước. Cuộc xung đột ý thức hệ là khó tránh khỏi chừng nào vẫn còn giai cấp, vẫn còn nhà nước. Trong chiến tranh lạnh, sự đối lập ý thức hệ đã nâng lên thành đối kháng giữa các lợi ích quốc gia. Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, những nước xã hội chủ nghĩa còn lại mặc nhiên trở thành mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”. Coi mình là người lãnh đạo thế giới, các nước đế quốc có thói quen coi mọi việc xảy ra trong lòng nước mình đều liên quan trực tiếp và chặt chẽ với những việc họ có thể là cần phải làm ở bên ngoài và ngược lại.
Bởi vậy, quyết sách lợi ích quốc gia không thể tách rời vai trò và ảnh hưởng của ý thức hệ. Trong chiến tranh lạnh, các nước đế quốc dựng lên con ngoáo ộp về “mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản” để thực hiện các chiến lược toàn cầu sặc mùi chống cộng nhằm giành lợi ích quốc gia của mình - quốc gia tự trao quyền lãnh đạo thế giới. Sau chiến tranh lạnh, họ lại khuếch trương tư tưởng “nhân quyền cao hơn chủ quyền” đẩy tới cuộc thập tự chính dân chủ và nhân quyền theo giá trị phương Tây. Mục tiêu, đối tượng tấn công của cuộc thập tự chinh này trước hết không phải ai khác ngoài các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và những nước có chế độ chính trị - xã hội không hợp khẩu vị của họ.
Chẳng ai lạ gì tim đen của Mỹ và phương Tây trong việc lớn tiếng tố cáo Trung Quốc về nhân quyền xung quanh vấn đề Tây Tạng, công kích Việt Nam trong các vấn đề dân tộc và tôn giáo, chỉ trích Chính phủ Phiđen Caxtơrô ở Cu Ba là nhà “độc tài”, mô tả Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là “nhà tù ý thức hệ đóng kín”... Càng ngày người ta càng thấy rõ việc các nước đế quốc dùng chiến tranh cũng như hàng loạt biện pháp thâm độc khác để loại bỏ chính quyền Milôxêvich ở Nam Tư đâu phải vì dân chủ nhân quyền và đạo lý như họ rêu rao, mà chính là để loại bỏ một cái “gai” khó chịu nhất - nhân vật được họ coi là “tàn dư của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu” - một trở ngại đối với việc thực hiện ván cờ hậu chiến tranh lạnh ở khu vực Bancăng nói riêng và toàn lục địa châu Âu nói chung.
Nhìn bao quát bức tranh toàn cảnh quốc tế trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, người ta thấy rõ can thiệp vũ trang, trừng phạt về kinh tế và thương mại, cô lập ngoại giao, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của từng nước... đều là những thủ đoạn chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, được triển khai một cách đồng bộ của các nước đế quốc phương Tây đừng đầu là Mĩ. Các thủ đoạn đó đều được triển khai dưới sự chỉ đạo nhất quán của một ý thức hệ cơ bản không hề thay đổi trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Hiện nay, chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa đang tìm cách áp đặt trật tự của nó. Tuy nhiên, trật tự này không thể “sống” được bởi nó là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn và bất công. Rõ ràng, trận chiến ý thức hệ đang diễn ra vô cùng quyết liệt. Nó đòi hỏi các lực lượng tiến bộ và dân chủ, các phong trào xã hội và toàn thể nhân dân tiến bộ trên thế giới đoàn kết chống lại các nguy cơ chia rẽ và nêu cao trách nhiệm đối với việc bảo vệ các giá trị xã hội, dân chủ và nhân văn.
Huy Hoàng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét