Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

BỘ CHÍNH TRỊ ĐÃ BAN HÀNH QUY ĐỊNH SỐ 65-QĐ/TW VỀ LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” - tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, cẩm nang cho cán bộ đảng viên tu dưỡng đạo đức và rèn tác phong làm việc, trong đó có những lời chỉ dẫn đặc biệt sâu sắc: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.” Người cũng đặc biệt lưu ý: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.” Vì vậy, công tác cán bộ, đặc biệt là những cán bộ đứng đầu các cấp ủy luôn được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Thực tiễn công tác cán bộ trong những nhiệm kỳ qua cho thấy công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức đã được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Song vì nhiều lý do khác nhau nên có lúc vẫn để “lọt” một số nhân sự có biểu hiện suy thoái về lối sống, đạo đức, tư tưởng, tham ô, tham nhũng vào Trung ương. Điều này không chỉ làm suy giảm niềm tin của người dân đối với công tác cán bộ của Đảng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Quy định 65 nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ. Việc luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu, trải nghiệm thực tiễn, phát triển toàn diện hơn.

Với Quy định 65, chúng ta thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Quy định này sẽ đảm bảo sự khách quan hơn, vì cán bộ không phải người địa phương sẽ không bị nhiều ràng buộc. Đồng thời hạn chế tối đa tình trạng như dây dợ, quan hệ, sân sau, lợi ích nhóm… Bên cạnh đó, cán bộ khi ở nơi mới về sẽ hăng hái nhiệt tình, nhanh chóng nắm bắt tình hình, trăn trở của người dân…

Lần này quy trình có 5 bước, các quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan. Về thời gian luân chuyển, ít nhất là phải 3 năm, khi trở về cũng không nhất thiết sẽ được bố trí vào chức vụ cao hơn. Điều này sẽ phụ thuộc vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, quá trình đóng góp, cống hiến, phát triển và sự khẳng định mình của cán bộ được luân chuyển. Đặc biệt, Đảng chú trọng xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận có đủ tài, đức thông qua những cuộc “sàng lọc” chặt chẽ, theo đúng quy trình, quy định của Đảng đối với hàng trăm những “hạt giống đỏ”.

Thực tiễn của đất nước thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay đòi hỏi cán bộ then chốt phải thật sự đủ tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh để gánh trên vai việc Đảng, việc nước, việc dân. Điều ấy càng có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ cấp chiến lược, bởi họ là những người trực tiếp vừa xây dựng, vừa tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu chọn đúng người cần chọn, chọn đúng “ghế” để “đặt” đúng người, đúng việc, sẽ tạo ra những đột phá, bứt phá mới. Đây cũng là cơ hội để đất nước có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét