Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

XÓA CƠ CHẾ ‘XIN – CHO’, NGĂN NGỪA THA HÓA


Mới đây, sau khi có ý kiến của TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới (nay là Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), cho rằng thời gian qua chúng ta xử lý tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế “xin-cho” vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng lại không thay đổi, thế nên mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc; người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng Trung ương cần sớm nghiên cứu, tìm ra giải pháp khả thi, phù hợp để từng bước đẩy lùi, giảm thiểu tác hại và tiến tới chấm dứt cơ chế lạc hậu "xin-cho" ra khỏi đời sống xã hội.

Vậy cơ chế “xin-cho” liên quan gì đến vấn đề suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Đảng ta yêu cầu cần phải xóa bỏ?

Bản chất của cơ chế "xin-cho" là đặc quyền, đặc lợi và tạo ra sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Cơ chế này có nguyên nhân sâu xa từ chế độ phong kiến chuyên quyền, độc đoán. Do thể chế chính trị, quyền lực chính trị tập trung vào tầng lớp vua quan nên sinh ra một tầng lớp quan lại có đặc ân, đặc quyền được ban phát lợi ích cho giai cấp bị trị là giai cấp nông dân và những người thấp cổ bé họng trong xã hội.

Khi quyền lực, lợi ích tập trung vào một nơi, một người thì nơi đó, người đó có cái quyền cho, chia, ban phát và vì thế, những nơi, những người khác muốn có quyền lợi thì nhất thiết phải đi xin. Mà thông thường, người đi cho bao giờ cũng ở thế bề trên, thế nên mới sinh ra thái độ khệnh khạng, tư tưởng đặc quyền, tâm lý kẻ cả đối với người đi xin. Ngược lại, người đi xin ở thế yếu, muốn xin được thì phải khéo léo, thậm chí phải chạy vạy, luồn cúi, nịnh nọt và tìm mọi cách để “lót tay” cho người có quyền ban phát thì mới có cơ may giải quyết được công việc một cách thuận lợi.

Nhiều năm qua, chúng ta đã có một số giải pháp, chế tài nhằm hạn chế cơ chế “xin-cho” trong bộ máy công quyền. Nhưng trên thực tế, cơ chế này vẫn như một con “tắc kè đổi màu” hiện hình trong vô vàn các mối quan hệ ứng xử giữa cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới.

Do vậy, muốn xây dựng một thể chế chính trị ưu việt, một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự trung thành, tận tụy, liêm chính, vì dân, vì nước, thì việc “đào tận gốc, trốc tận rễ” cơ chế “xin-cho” phải được coi là một trong những giải pháp ưu tiên, cần kíp trong công tác quản trị quốc gia hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét