Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam

 


 “Đổi mới” ở Việt Nam từ năm 1986 là sự lựa chọn tất yếu nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Sau gần 35 năm vượt qua các thử thách và khó khăn to lớn, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại,... đến nay, Việt Nam có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng đổi mới là sự lựa chọn đúng đắn; Việt Nam đã vào quỹ đạo phát triển mới về chất, phù hợp với xu thế của thời đại và ý nguyện của nhân dân. Sự hưởng ứng đường lối đổi mới ngày càng sâu rộng, tự giác của nhân dân; khả năng tiếp cận và hội nhập có hiệu quả của đất nước vào đời sống chính trị, kinh tế của cộng đồng quốc tế; những kết quả to lớn và toàn diện mà đổi mới mang lại là bằng chứng hiển nhiên, thuyết phục về tính tất yếu lịch sử của quá trình đổi mới ở Việt Nam.

Khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã chủ trương kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Xác định nhiệm vụ đổi mới, phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Từ thành tựu đổi mới kinh tế mà từng bước đổi mới hệ thống chính trị. Đó chính là bài học thành công trong đổi mới chính trị ở Việt Nam, bảo đảm giữ vững sự ổn định chính trị trong mọi hoàn cảnh.Các thế lực thù địch cho rằng ở Việt Nam không có dân chủ, quyền con người bị vi phạm. Họ luôn lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” để đả kích sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sự thật là, khi xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, cần phải nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền và quyền làm chủ của nhân dân, tức là quan hệ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đây là vấn đề lớn về lý luận, về thực tiễn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị trong xã hội văn minh, hiện đại mà con người và nhân dân là trung tâm.

Các thế lực phản động, thù địch công khai phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng”. Thực tế minh chứng: sự lãnh đạo của Đảng không ngừng được đổi mới, nhất là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng không những được nhân dân, toàn xã hội khẳng định mà còn được cộng đồng thế giới và khu vực, các đối tác thừa nhận, củng cố mối quan hệ giữa các đảng cầm quyền trên thế giới. Thước đo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là kinh tế phát triển, chính trị, xã hội ổn định, văn hóa, giáo dục, khoa học phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao về mọi mặt, quốc phòng - an ninh được giữ vững, ngoại giao rộng mở, vị thế uy tín Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Đó là sự thật mà bất kỳ thế lực đen tối nào cũng không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đất nước, chúng ta khó tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm, đặc biệt là trong khâu tổ chức thực hiện; nhưng đó là những hạn chế và khuyết điểm không thuộc về bản chất của chế độ. Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm nhận khuyết điểm, thiếu sót, đã và đang tích cực sửa chữa, khắc phục, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.

Lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của một số chính quyền ở cơ sở trong thực hiện chủ trương, chính sách để nói xấu, công kích Đảng và Nhà nước, không phải là hành động “vì dân”, “vì nước”, mà là hành động “đục nước béo cò”, làm tổn hại đến sự ổn định chính trị - xã hội, đến nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Không phải vì những khuyết điểm, hạn chế nào đó; không phải vì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; cũng không phải vì việc giải quyết chưa tốt một vụ việc nào đó mà có thể bất mãn chế độ, chống đối lại Đảng và Nhà nước.

Điều đúng đắn hiện nay trong bối cảnh chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là: mọi người Việt Nam đều phải chung vai gánh vác cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiếp tục đi lên. Đại hội XII của Đảng đã nhận định: “Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo: con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét