Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

ĐẤU TRANH LẠI CÁC HÀNH VI CHỐNG PHÁ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG



1. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng dịch bệnh để chống phá.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống chính trị đang tích cực vào cuộc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra. Tuy nhiên, không ít đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh, xuyên tạc thông tin gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận và xâm hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra được xác định là một dịch bệnh nguy hiểm. Chính vì vậy, ngay khi dịch bệnh được phát hiện, toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta đã vào cuộc để phòng, chống. Thực tế chứng minh, việc xử lý dịch bệnh của Việt Nam đến nay đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh để lan truyền các thông tin sai lệch, tạo tâm lý hoang mang trong dư luận. Hành động lợi dụng sự kiện để đưa ra các thông tin giả mạo (fake news) xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau.
Có những đối tượng chỉ vì “câu view” nên bất chấp quy định để đưa ra thông tin không đúng. Vậy nhưng cũng có không ít đối tượng thù địch, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã “tát nước theo mưa”, “ăn bám” dư luận, cố tình xuyên tạc tình hình để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Đặc biệt, trên trang mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức chống đối như Việt Tân, Chân trời mới media, Hội Anh em dân chủ, Điếu Cày… đang lan truyền nhiều bài viết có nội dung sai lệch về tình hình dịch COVID-19 cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh Nhà nước ta.
Những thông tin được đưa ra mang tính quy chụp, một chiều, phi khoa học nhưng đã có những tác động tiêu cực đối với xã hội; thể hiện sự vô lương tâm, coi thường pháp luật của những kẻ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”.
Một số dạng thông tin xuyên tạc sai sự thật được các đối tượng đưa ra gồm:
Thứ nhất, lợi dụng vấn đề liên quan đến đóng cửa biên giới với Trung Quốc để xuyên tạc vấn đề chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc được xác định là nơi phát sinh dịch COVID-19. Trên mạng xã hội, nhiều đối tượng đang kêu gào đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngăn chặn tình hình dịch bệnh. Các đối tượng đưa ra luận điệu nếu không đóng cửa biên giới sẽ khiến chúng ta luôn rơi vào thế bị động đối phó và không tạo ra được một phòng tuyến ngăn chặn dịch bệnh lây lan một cách hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng: “Chúng ta có lẽ chưa nên đặt vấn đề đóng cửa biên giới vì tình hình chưa đến mức đó”. Việc không đóng cửa biên giới với Trung Quốc không đồng nghĩa với việc chúng ta để mặc, không kiểm soát tình hình dịch bệnh. Thực tế, chúng ta đang áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh như: Hạn chế đi lại giữa hai bên, hủy toàn bộ các chuyến bay đã cấp phép và dừng cấp phép chuyến bay mới cho các hãng hàng không khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngưng cấp visa cho hành khách Trung Quốc, tăng cường quản lý hoạt động tại khu vực cửa khẩu, tiến hành cách ly, theo dõi chặt chẽ những người từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam…
Và cũng cần nói thêm, hiện nay hàng hoá nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là rất lớn. Nếu đóng cửa biên giới cũng đồng nghĩa với việc thương mại hai bên bị gián đoạn. Dù chúng ta vẫn xác định sẽ chấp nhận hy sinh về kinh tế để phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, việc đóng cửa biên giới là chưa thực sự cần thiết.
Vậy nhưng, “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, các đối tượng tiến hành xuyên tạc bản chất vụ việc, cho rằng Việt Nam “không thể” và “không dám” đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
Thâm độc hơn, các đối tượng này còn vẽ ra thông tin cho rằng chính quyền Việt Nam “xem thường sức khoẻ người dân”. Và cuối cùng, các “nhà dân chủ mạng” này cũng không ngần ngại đưa ra tuyên bố Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, đánh mất chủ quyền quốc gia vào Trung Quốc nên không thể đóng cửa biên giới. Đây là những thông tin suy diễn, quy chụp độc hại.
Thứ hai, xuyên tạc tình hình thực tiễn dịch bệnh.
Trước tình hình của dịch bệnh, chúng ta đã có những giải pháp đồng bộ để phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng lây lan trên diện rộng. Theo thông báo của Bộ Y tế, chúng ta đã phân lập thành công chủng COVID-19. Đây là một tiền đề có ý nghĩa quan trọng phục vụ các giai đoạn tiếp theo.
Đại diện của WHO cũng đánh giá cao nỗ lực cũng như các kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được. Vậy nhưng, với ý định tạo ra “bóng ma” khiến dư luận hoảng sợ, các đối tượng tô vẽ, đưa ra nhiều thông tin lệch lạc về tình hình dịch bệnh. Các đối tượng cho rằng Việt Nam đang cố tình che giấu số trường hợp bị mắc bệnh trên thực tế, việc Việt Nam tuyên bố chữa trị thành công cho một số trường hợp bị mắc COVID-19 chỉ là hành động trấn an dư luận, “đánh lừa” người dân.
Qua ngòi bút của mình, các đối tượng thổi phồng, xuyên tạc tình hình dịch bệnh ở Việt Nam “đã vô cùng nghiêm trọng”, số trường hợp bị mắc bệnh đã lên đến hàng ngàn ca, số người tử vong do dịch bệnh lớn. Đồng thời, các đối tượng cũng cho rằng Việt Nam sẽ lãnh đủ thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Các “nhà dân chủ” tích cực sử dụng chiêu bài “nước mắt thằng hề” để chống phá đất nước, tạo ra sự bất ổn trong xã hội. Đằng sau những luận điệu gian trá “vì nhân dân” chính là sự chống đối chính quyền vô cùng quyết liệt.
Thứ ba, xuyên tạc chức năng, vai trò của các cơ quan nhà nước
Như đã đề cập ở trên, hiện nay nhiều người đang đưa ra các tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng về dịch bệnh, gây ra sự hoang mang trong quần chúng nhân dân. Liên quan đến vấn đề này, cơ quan Công an, Sở Thông tin và Truyền thông của nhiều địa phương đã tiến hành làm việc, xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp đưa tin sai sự thật.
Đây là biện pháp quyết liệt của các đơn vị chức năng liên quan đến việc giải quyết nạn đưa thông tin giả. Hành động này của cơ quan chức năng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng. Vậy nhưng, với kiểu “bới bèo ra bọ”, bất chấp sự thật, các “nhà dân chủ”, “nhân quyền” đổi trắng thay đen, xuyên tạc, hướng lái bản chất vụ việc. Các đối tượng trắng trợn vu khống việc chính quyền xử lý những người đưa tin giả như trên là hành động mang tính “bịt miệng” người dân.
Hài hước hơn, các đối tượng còn đổ vạ dịch bệnh xảy ra là do “lỗi của cộng sản”. Dịch bệnh bùng phát xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy nhưng, với tư tưởng thù hằn chế độ, các đối tượng chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam bất chấp khoa học, đổ thừa nguyên nhân dịch bệnh phát sinh là do “lỗi của cộng sản”. Đây là một luận điệu hết sức nực cười, lố bịch.
Mục đích của các đối tượng chống đối khi đưa ra các thông tin lệch lạc, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc như trên là nhằm gây ra tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Việc các đối tượng xuyên tạc thông tin như trên là hành động vô lương tâm, coi thường pháp luật, người dân cần cảnh giác, tỉnh táo nhận diện phòng tránh.
2. Sự chống phá của các văn nghệ sĩ
Ở bất cứ thời điểm lịch sử nào của dân tộc ta, văn nghệ sĩ luôn là những người quan tâm đến thời cuộc. Thông qua hoạt động nghệ thuật, họ cất lên tiếng nói của nhân dân, của thời đại mình, hướng tới những giá trị thẩm mỹ và nhân văn cao đẹp. Những tác phẩm, những phát ngôn của văn nghệ sĩ luôn có ảnh hưởng to lớn đến công chúng. Và vì sự ảnh hưởng to lớn ấy nên các thế lực thù địch, phản động đã và đang ráo riết lợi dụng, lôi kéo một số văn nghệ sĩ tham gia vào cái gọi là “những tổ chức dân sự” trá hình để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếng nói của văn nghệ sĩ đã hòa nhịp với tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, dân tộc. Những tác phẩm nghệ thuật thời chiến đã nâng bước toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, thử thách đi đến thắng lợi hoàn toàn. Và những thành quả to lớn mà chúng ta đạt được trong công cuộc dựng xây, phát triển đất nước hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Thế nhưng thực tế đặt ra là trong quá trình hội nhập và phát triển hôm nay, bên cạnh những thuận lợi được khai thác, phát huy thì những tác động trái chiều từ hội nhập, mở cửa cũng phát sinh tiêu cực và ngày càng phức tạp, khó lường. Các thế lực phản động trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng những vấn đề nhạy cảm để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, trong đó lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được chúng lợi dụng triệt để nhằm chống phá, cản trở sự phát triển của Việt Nam. Từ âm mưu của các thế lực thù địch, những năm gần đây ở nước ta xuất hiện các trào lưu đòi giải thiêng các giá trị lịch sử của dân tộc, phủ nhận thành tựu của cách mạng, chia rẽ nội bộ văn nghệ sĩ; bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ. Có những quan điểm nhầm lẫn giữa cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống kẻ thù xâm lược với các cuộc nội chiến phi nghĩa, hao tổn máu xương được một số văn nghệ sĩ lên tiếng trên các diễn đàn…
Ở trong nước, những kẻ cơ hội chính trị ra sức lôi kéo một bộ phận văn nghệ sĩ không có sự vững vàng về bản lĩnh chính trị, ngả nghiêng theo các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về Đảng và Nhà nước ta. Từ bán tín, bán nghi đến bị tẩy não hoàn toàn, hiện ngày càng xuất hiện nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ gồm những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị cấu kết thành cái gọi là những người “đồng chí hướng”, “những công dân tự do” để sáng tác thơ, văn có tư tưởng phản động hoặc nội dung thiên về những điều tầm thường, phản văn hóa. Ở ngoài nước, những phần tử phản động sản xuất, phát hành một số bộ phim, sách có tư tưởng lệch lạc, nội dung bịa đặt, bôi đen lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, chống đối Đảng và Nhà nước ta rồi phát tán trên các trang mạng và blog cá nhân. Chúng dẫn dụ, lôi kéo những người tò mò vào đọc, từ đó gây sự hoài nghi về Đảng, về chế độ.
Đặc biệt, khi tình hình trên biển Đông diễn biến phức tạp hoặc có một số vấn đề mà xã hội quan tâm thì một số văn nghệ sĩ trong nước có nhận thức, tư tưởng phức tạp đã có những hoạt động gây bất lợi cho Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công dân. Phần lớn trong số họ nhìn nhận chủ trương giải quyết các vấn đề của Đảng, Nhà nước ta theo khuynh hướng cực đoan, quá khích, từ đó có những hành động thúc đẩy hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch. Tiếc là trong số văn nghệ sĩ cực đoan, quá khích này, nhiều người từng có đóng góp không nhỏ cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Thậm chí một số người từng giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật ở Trung ương. Điển hình có thể kể đến trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc, người từng viết những tác phẩm nổi tiếng một thời như Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Đất Quảng… Những tác phẩm đầy ắp hơi thở cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc ta thực sự đã trở thành động lực chiến đấu của nhiều thế hệ chiến sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thế nhưng khi hòa bình, được sống, được sáng tác trong môi trường có nhiều thuận lợi thì Nguyên Ngọc và một số nhà văn “cùng hội, cùng thuyền” lại tuyên bố thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” - một tổ chức ngoài Hội Nhà văn Việt Nam. Lý do mà Nguyên Ngọc đưa ra là sau năm 1975: kết thúc thời kỳ chiến tranh kéo dài, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản mà nền tảng là phục hưng văn hóa, và ông ta cho rằng công cuộc quan trọng và cần thiết ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại “văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc...”. Đây thực sự là luận điệu điên rồ, kỳ quái của một người từng là nhà văn cách mạng tên tuổi…
Trong mọi thời đại và thể chế chính trị, vai trò của văn nghệ sĩ là không thể phủ nhận. Bằng ảnh hưởng to lớn của mình, những văn nghệ sĩ có thể hướng dư luận đi theo mình. Thế nhưng bản thân họ cũng sẽ là công cụ cực kỳ lợi hại nếu bị những kẻ cơ hội chính trị, phản động lợi dụng. Và trước những vấn đề nhạy cảm chính trị, những văn nghệ sĩ có tư tưởng ngả nghiêng thực sự là mối nguy hại không thể lường được. Vì vậy, cùng với việc tạo môi trường thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tạo, các cấp ủy đảng, chính quyền cần kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử chống đối chế độ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “đối đầu” giữa văn nghệ sĩ với chính quyền. 
Tạ Kiều


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét