Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Hoạt động lợi dụng hội nhập kinh tế quốc tế để chống phá Việt Nam





Những năm qua, nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn hoạt động; trong đó, triệt để lợi dụng hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) nhằm xâm phạm an ninh quốc gia, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội, đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Họ coi đó là một trong những nội dung quan trọng để tạo sức ép từ bên ngoài, kết hợp với kích động các hoạt động chống phá từ bên trong nước ta.
Nhận thức rõ trong thời đại ngày nay, việc hội nhập quốc tế là một tất yếu khách quan, do đó Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo để ngày càng phát triển, mở rộng các mối quan hệ quốc tế, trong đó có HNKTQT. Thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về HNKTQT, những năm qua, tiến trình này của Việt Nam đã, đang đạt nhiều kết quả hết sức to lớn. Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên thế giới và cũng là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các thành viên nhóm G7 và 13/20 nước G20. Việt Nam đã ký kết hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế và mới nhất chúng ta đã gia nhập CPTPP. Nhờ HNKTQT, những năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ cùng với các lĩnh vực khác của xã hội. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng thế giới mới công bố, dự báo Việt Nam đứng thứ 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017.
Thế nhưng trong sự thành công của Việt Nam về HNKTQT, các thế lực thù địch cũng không ngừng lợi dụng lĩnh vực này để nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với Việt Nam. Những năm qua, các thế lực thù địch đã ráo riết triển khai một số hoạt động cơ bản như sau:
Một là, thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài để từng bước chi phối nền kinh tế Việt Nam; thông qua đó nhằm làm cho Nhà nước từng bước mất dần khả năng kiểm soát, điều hành nền kinh tế đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Với phương châm: “Lấy kinh tế để chuyển hóa chính trị”, các thế lực thù địch âm mưu từng bước xóa bỏ chế độ XHCN một cách từ từ, êm ả, không gây ra chấn động lớn trong xã hội mà khởi nguồn là từ những sai lầm trong HNKTQT ở Việt Nam.  
Hai là, họ lợi dụng HNKTQT và hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, nhất là thông qua hợp tác với các cơ quan của Đảng, Nhà nước Việt Nam để xâm nhập nội bộ, mua chuộc, lôi kéo những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, thu thập tin tức bí mật nhà nước để chống phá Việt Nam.
Ba là, triệt để thông qua các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp quốc tế hợp tác, làm ăn với Việt Nam để đưa ra các yêu cầu mang tính áp đặt phi lý. Họ còn tìm cách gây ra “khủng hoảng”, những tác động tiêu cực từ bên ngoài làm suy yếu nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng đến phúc lợi nhân dân và sức mạnh của Nhà nước.  
Bốn là, họ tìm cách tác động tới các chính khách cực đoan trong quốc hội một số nước phương Tây, đòi gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với điều kiện cải cách chính trị, pháp luật theo kiểu phương Tây (như yêu cầu Nhà nước xóa bỏ một số điều về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự hiện hành…); đòi thay Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng hệ tư tưởng dân chủ tư sản; đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải thúc đẩy tự do báo chí, tự do ngôn luận theo tiêu chí phương Tây, đòi thả các đối tượng chống đối vi phạm pháp luật, đòi thành lập tổ chức Công đoàn độc lập trong các công, ty xí nghiệp... nhằm tạo nên những tiền đề gây mất ổn định chính trị, xã hội ngay từ bên trong đất nước.
Cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, việc HNKTQT của Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, đó là: Cơ cấu tăng trưởng kinh tế Việt Nam chưa thay đổi căn bản; chất lượng tăng trưởng vẫn còn thấp và chưa thực sự ổn định, bền vững. Quá trình HNKTQT chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việt Nam chưa có kế hoạch tổng thể và lộ trình hợp lý về HNKTQT; chưa có chiến lược rõ ràng khi tham gia các FTA. Việc ứng phó với các biến động và xử lý những tác động xấu do nền kinh tế thế giới gây ra còn bị động, lúng túng và chưa đồng bộ; hệ thống luật pháp Việt Nam theo yêu cầu HNKTQT chưa hoàn thiện và đầy đủ. Ở một số địa phương, các vụ việc phức tạp xảy ra liên quan đến khiếu nại, tố cáo… chậm được giải quyết, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định chính trị-xã hội. Sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo diễn ra ngày càng gay gắt. Còn tồn tại tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, triển khai các dự án, đề án hợp tác kinh tế quốc tế… Đó là những yếu tố để kẻ địch triệt để lợi dụng hòng thúc đẩy âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam.
Nhằm tận dụng những cơ hội, thuận lợi trong hội nhập quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước và phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng HNKTQT để chống phá Việt Nam, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như sau:
Công tác phòng, chống hoạt động lợi dụng HNKTQT để chống phá nước ta luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; sự quản lý, điều hành của Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính tất yếu khách quan của việc HNKTQT; âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề này để “diễn biến hòa bình” đối với nước ta của các thế lực thù địch; vị trí, vai trò công tác đấu tranh chống hoạt động lợi dụng HNKTQT để huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác này.Bảo đảm thực hiện hiệu quả quá trình HNKTQT trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa kính tế với quốc phòng, phát triển kinh tế với xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc. Xác định rõ hội nhập là quá trình vừa có nhiều cơ hội, vừa gặp nhiều thách thức, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; do vậy, cần chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu. Tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong HNKTQT, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, chủ quyền của đất nước ta.   
Những năm tới, các thế lực thù địch vẫn sẽ tiếp tục triệt để lợi dụng HNKTQT để phá hoại thành quả cách mạng và chống phá chế độ xã hội mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng. Với những thành tựu đã đạt được trong HNKTQT, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đất nước ta sẽ HNKTQT thành công, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, phát triển.
Tuấn Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét