Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG ÂM MƯU “PHI CHÍNH TRỊ HÓA QUÂN ĐỘI” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH



                                                 
                                                        

Trong thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, nhiều cá nhân, tổ chức, đối tượng thù địch ở trong và ngoài nước đã đưa ra những ý kiến, quan điểm về cái gọi là "phi chính trị hóa" quân đội ở Việt Nam. Họ kêu gọi quân đội là của Nhà nước, nên chỉ phục tùng Nhà nước, chứ không phải phục tùng và chịu sự lãnh đạo của bất cứ chính đảng nào. Hoặc hoạt động của quân đội chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân, nên chỉ phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào.
Chúng ta khẳng định rằng không có quân đội "đứng ngoài giai cấp". Từ trước đến nay, quan điểm quân đội "phi chính trị" thường xuất hiện ở những quốc gia tồn tại đa đảng đối lập, nhất là khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị. Thực chất, quan điểm này xuất phát từ ý đồ sâu xa là nếu quân đội được "phi chính trị hóa", nghĩa là "đứng ngoài chính trị" thì các đảng phái có thể tha hồ tự tung, tự tác hành động nhằm giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn vào chiều sâu vấn đề, đây chỉ là một "bề nổi giả tạo" không hơn không kém, bởi, xét về bản chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực, phục vụ cho mục đích chính trị của một giai cấp, Nhà nước nhất định.
Tính chất chính trị của quân đội thể hiện tập trung và rõ nét ở mục tiêu chiến đấu, tổ chức lực lượng, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ, phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội. Do vậy, không bao giờ có quân đội "trung lập về chính trị", "đứng ngoài chính trị", "phi giai cấp". Nói tóm lại, trên thực tế, không thể có quân đội đứng ngoài chính trị, bất cứ quân đội nào thì vấn đề chính trị của nó cũng đều là vấn đề quan trọng hàng đầu. Có thể thấy rõ, ngay các nước phương Tây vốn có nền dân chủ lâu đời, tất cả các đảng phái cầm quyền đều cố gắng giành lấy sự ủng hộ của quân đội và như vậy, xét cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, quan điểm về cái gọi là "phi chính trị hóa" quân đội là phản động, phản khoa học.
Ở nước ta, Quân đội nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, rèn luyện và nuôi dưỡng. Các tổ chức, lực lượng tiền thân của Quân đội ngay từ ngày thành lập đã thực hiện các nhiệm vụ như: Bảo vệ xã hội, bảo vệ giai cấp, chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia. Đây là những nhiệm vụ bảo vệ xã hội và nhân dân thời bấy giờ trong cuộc cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cho đến nay, quân đội vẫn luôn tiên phong trong bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Như vậy, có thể thấy, sinh ra từ nhân dân, mang bản chất giai cấp công nhân, được Đảng và nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, cho nên cả về mục tiêu chiến đấu, tổ chức, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ, Quân đội nhân dân Việt Nam đều là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mọi ngụy biện cho rằng, quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị, phải "đứng ngoài chính trị" chỉ là thủ đoạn phủ nhận nguyên tắc "Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt" đối với Quân đội nhân dân, vô hiệu hóa quân đội cách mạng, làm cho quân đội không còn là rường cột bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Chúng ta khẳng định đây là một thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm. Quân đội là một hiện tượng chính trị - xã hội, từ khi xuất hiện cùng với quá trình tồn tại của nó đều gắn bó với chính trị. Do vậy, có thể nhận rõ, âm mưu, thủ đoạn "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch chính là một nội dung của chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam. Để đạt được mục đích, chúng đã và đang sử dụng mọi chiêu bài để thực hiện âm mưu "phi chính trị hóa quân đội " với mục tiêu cao nhất là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Quân đội nhân dân. Thông qua các bài viết, tài liệu phát tán trên một số trang mạng cũng như ngoài xã hội, chúng đưa ra những yêu cầu đòi quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị, đòi bỏ quy định " quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam" trong Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước ta.
Để "tiếp sức" cho các luận điểm phản động này, chúng phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp và đấu tranh giai cấp; xuyên tạc đường lối, quan điểm quân sự của Đảng, đặc biệt là quan điểm về xây dựng quân đội nhân dân. Núp dưới chiêu bài hết sức tinh vi thông qua các luận điểm mà nghe thoáng qua, không ít người ngộ nhận là "có lý" rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chủ quyền quốc gia. Chúng lớn tiếng đòi Quân đội nhân dân chỉ chấp hành Hiến pháp, pháp luật, phải "trung lập", "đứng ngoài chính trị", "không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào".
Về thực chất, quan điểm sai trái cho rằng quân đội không cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, chính là một thủ đoạn "diễn biến hòa bình" xảo quyệt, nguy hiểm. Đó là luận điệu vô căn cứ, phản khoa học,  hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam không có mục đích chính trị tự thân, mà là thực hiện sứ mệnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch, về cơ bản là phải bám chắc, tuân theo, phục tùng và bảo vệ chính trị đó.
Để làm được điều này, trước hết, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ mục tiêu lý tưởng chiến đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho mọi cán bộ, chiến sĩ, tạo ra sự "miễn dịch" cần thiết, tăng sức "đề kháng" để ngăn chặn, loại trừ sự thẩm thấu và xâm nhập của các luận điệu "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị cũng cần tiếp tục thực hiện toàn diện các chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở các địa bàn biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiên quyết đấu tranh với mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam: Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.
Văn Mười


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét