Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

SỰ KHÁC NHAU TRONG QUAN NIỆM VỀ NHÂN QUYỀN CỦA PHƯƠNG TÂY VÀ PHƯƠNG ĐÔNG



                                            
                                                 
Nhân quyền – “quyền con người” - một đề tài vô cùng nhạy cảm. Nó nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến quan hệ quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền của các thành viên trong xã hội. Nó nhạy cảm, đặc biệt đối với châu Á và Châu Phi, vì khái niệm này không xuất phát từ nền tảng văn hóa, kinh tế và chính trị-xã hội của các quốc gia này. Cho dù  nhiều người thừa nhận nhân quyền mang những giá trị chung, phổ biến của nhân loại nhưng cũng rất khó khi đưa ra những tiêu chuẩn nhân quyền cụ thể cho một quốc gia cụ thể. Ở cấp độ chung, chúng ta tạm thời chấp nhận những tiêu chuẩn nhân quyền mang tính phổ biến toàn cầu. Đối với Việt Nam (cũng như các quốc gia Châu Á khác), nói đến vấn đề nhân quyền thì không thể tách rời các yếu tố chính trị, văn hóa và đặc trưng của đời sống xã hội người Việt.
Nếu học thuyết nhân quyền phương Tây đặc biệt chú trọng đến quyền cá nhân thì các quốc gia Châu Phi, Châu Á là quan tâm nhiều hơn đến quyền của nhóm, quyền văn hóa, và quan trọng hơn đó là chủ quyền quốc gia. Các quốc gia Châu Á theo học thuyết văn hóa tương đối trong đó phải có sự cân đối và hài hòa giữa quyền công dân và quyền lực của nhà nước. Chính điều đó đã tạo nên “Giá trị Châu Á” về nhân quyền. Và đây là luận điểm để các quốc gia Châu Á đưa ra để chống lại học thuyết tính phổ quát về nhân quyền của các quốc gia phương Tây. Các quốc gia Châu Á cho rằng các quan điểm và học thuyết về nhân quyền xuất phát từ phương Tây và do đó không thể áp dụng cho các quốc gia phương Đông vì nó không phù hợp với nền văn hóa và xã hội phương Đông. Chính sự khác biệt này đã tạo nên bất đồng giữa phương Đông và phương Tây về vấn đề quyền con người. Cụ thể của sự khác biệt trên là sự đối lập chủ nghĩa cá nhân phương Tây và tính cộng đồng hay công xã của phương Đông. Nhiều học giả phương Tây xem nhân quyền như quyền của cá nhân và đặt  “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Trong khi châu Á xem quyền con người là quyền của cá nhân nhưng đặt trong một bộ phận của tổng hòa xã hội, không tách rời nhà nước cũng như quyền lực nhà nước và chủ quyền quốc gia. Gần 20 năm trôi qua, tranh luận về “Giá trị Châu Á” cũng đã lắng xuống nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia Châu Á đã quên đi những giá trị của mình mà trái lại đó vẫn là đề tài tranh cãi nóng bỏng trong suốt những thập niên qua và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.Điều đáng mừng là hiện nay thế giới đang hướng đến vấn đề nhân quyền một cách thiện chí hơn, trong đó có sự tôn trọng và hài hòa giữa cá nhân, nhóm và chính quyền của các quốc gia./.  
Văn Châu                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét