Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Góp phần bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 -19/8/2018)


   

73 năm đã trôi qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, song cứ mỗi dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử vĩ đại này, vẫn còn những kẻ với cái nhìn thiển cận, hằn học vì những mưu đồ đen tối, cố tình bóp méo sự thật lịch sử. Thời gian qua, những quan điểm lệch lạc phát tán không ít trên internet, cho rằng không có chuyện Việt Minh, Đảng Cộng sản làm cách mạng mà chỉ có người dân phẫn uất vùng lên giành chính quyền, chúng còn cho rằng “không có đánh đấm gì cả, vì cuộc cách mạng xảy ra sau khi quân Nhật đã có lệnh bỏ vũ khí đầu hàng, Việt Minh chỉ lợi dụng khoảng trống quyền lực để giành chính quyền...”
Thực chất, đó là những lý luận không dựa vào sự thật lịch sử mà chỉ là sự xuyên tạc trắng trợn. Nhìn lại lịch sử, ngay sau khi ra đời Đảng ta đã xác định rõ Chánh cương, Sách lược: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân; có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến thành lập chính phủ công nông binh...”. Bước phát triển mới về đường lối, nhiệm vụ và chủ trương cách mạng của Đảng thể hiện rõ vai trò lãnh đạo và tư duy sáng tạo của giai cấp tiên phong.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đã anh dũng vùng lên đấu tranh, cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đánh đổ quân cướp nước và bè lũ nước, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Thực chất cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm thay đổi lịch sử Việt Nam, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình chống áp bức và bóc lột của công nhân, nông dân và các tầng lớp khác đã diễn ra rộng khắp trên phạm vi cả nước, đặc biệt là Xô viết Nghệ tĩnh. Mặc dù bị đàn áp, nhưng phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân vẫn không ngừng lớn mạnh với sự ra đời của Công hội, Nông hội, Đội tự vệ... đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam, là tiền đề cho phong trào đòi tự do dân chủ năm 1936 - 1939. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời với tuyên ngôn: Liên hợp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập... Chủ trương đó của Đảng đã tạo nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh để tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc. Căn cứ cách mạng và các tổ chức vũ trang được thành lập, nhanh chóng giữ vai trò nòng cốt đưa cuộc đấu tranh thành cao trào cách mạng rộng khắp trên cả nước.
 Trước những diễn biến quan trọng của tình hình trong nước và quốc tế khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ đấu tranh giành độc lập cho dân tộc đã tới, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân được khai mạc tại Tân Trào đã thể hiện rõ sự nhạy bén trong lãnh đạo của Đảng ta. Đó là ra tuyên bố ủng hộ 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập ủy ban giải phóng các cấp do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Có Đảng và Ủy ban giải phóng lãnh đạo, lực lượng vũ trang cách mạng hỗ trợ, nhân dân cả nước đã vùng lên đem sức ta tự giải phóng cho ta, đập tan chế độ đô hộ, áp bức và bóc lột hơn 80 năm của thực dân và phong kiến. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ chủ tịch đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thực tế ấy khẳng định, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả quá trình đấu tranh kiên cường bất khuất của toàn dân với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản mà không phải là một tổ chức chính trị nào khác. Cách mạng Tháng Tám đã ghi thêm mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại sâm của dân tộc ta, đã thể hiện rõ tính đúng đắn, khoa học trong nghệ thuật xác định thời cơ và chớp thời cơ của Đảng ta, đập tan luận điệu xuyên tạc vai trò sự lãnh đạo của Đảng Công sản Việt Nam đối với cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.
Sự thật lịch sử và thành quả công cuộc đổi mới hiện nay của đất nước ta sẽ làm cho mọi hành vi phủ nhận ý nghĩa lịch sử, tính cách mạng và khoa học của Cách mạng Tháng Tám, phủ nhận sự hy sinh của toàn thể dân tộc Việt Nam trong cuộc cách mạng này sẽ bị nhân dân Việt Nam yêu nước bác bỏ. Chúng ta hiểu và luôn trân trọng thành quả cách mạng vĩ đại của cha anh và từ đó rút ra những bài học bổ ích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đồng thời nâng cao cảnh giác với những mưu đồ xuyên tạc, bóp méo lịch sử.





 Văn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét