Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

BẢN SẮC VÀ LẼ SỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT


Trong truyền thống của dân tộc Việt Nam, tính cộng đồng là sản phẩm đặc biệt của vị trí địa lý, của các yếu tố kinh tế, xã hội. Tính cộng đồng đã trở thành yếu tố quyết định và tạo nên sức sống trường tồn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trước mọi thử thách.
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa cận biển. Vị trí địa lý này là yếu tố chi phối, làm nên một nền khí hậu đa dạng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Đại đa số cư dân Việt sống ở vùng thấp đồng bằng châu thổ, hướng biển nên phải chịu nhiều thiên tai từ hạn hán đến bão lũ. Để vượt qua việc “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” hoặc “nghiêng đồng đổ nước ra sông” và đắp đê để chống lụt đòi hỏi phải có sự đồng lòng chung sức của cả cộng đồng.
Việt Nam được các nhà nghiên cứu địa - chính trị và địa - kinh tế nhìn nhận như một “ban công” đầy lợi thế hướng ra Thái Bình Dương và là cầu nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo. Việt Nam là ngã ba giao lưu kinh tế, văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Vị trí đặc biệt này hấp dẫn tất cả các nước lớn và cũng là nguyên nhân của nhiều cuộc xâm lược trong lịch sử.
Nhu cầu phải đoàn kết để xây dựng những công trình thuỷ lợi lớn cùng với nhiều lần phải sát cánh bên nhau chống ngoại xâm đã hình thành mô hình tổ chức bền vững của cộng đồng làng xã. Tính cộng đồng ấy được củng cố bền chặt, duy trì từ đời này qua đời khác. Ở nhiều nơi, một số phong tục tập quán đã được quy chế hóa thành chuẩn mực ứng xử cộng đồng. Vừa là sản phẩm, vừa là nhân tố kết cấu của tính cộng đồng, làng xã Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn trong chống ngoại xâm. Khi có giặc thì toàn dân đánh giặc. Khi giặc đến thì làng xã trở thành pháo đài, thành những đơn vị chiến đấu lợi hại khiến cho quân xâm lược gặp vô vàn khó khăn.
Nhân dân quý trọng và kính phục các vị anh hùng trước hết vì tình cảm, ý thức cộng đồng sâu sắc của họ. Nhân dân đã xây dựng nhiều đền, miếu, để tôn vinh những vị anh hùng cứu nước, nhắc cháu con tự hào với chiến công của tiền nhân. Truyền thống đoàn kết trong chiến đấu và xây dựng đất nước đã làm nên hình hài giang sơn ngày nay, định vị tính cách dân tộc với một nền văn hóa bền vững.
Đây là những đặc điểm quan trọng nhất của bản sắc văn hóa Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử. Từ thời các vua Hùng đã có sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ, có sự riêng biệt của bờ cõi, núi sông, của phong tục tập quán. Lịch sử còn ghi sự nghiệp chiến đấu bất khuất với những tên tuổi Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ làm gián đoạn sự thống trị của quân xâm lược. Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền đã vĩnh viễn chôn vùi âm mưu xâm lược của phương Bắc, mở ra kỷ nguyên phát triển của văn hóa, văn minh Đại Việt. Các triều đại từ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần... kế tiếp nhau với ý thức “làm chủ một phương”.
Tinh thần và ý chí ấy tạo nên sức mạnh vô địch đánh tan mọi đạo quân xâm lược. Nó không những tạo nên tinh thần bất khuất, kiên cường mà còn rèn đúc nên những con người rất mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu. Tiếp nối truyền thống cha ông, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất trong thế kỷ 20 để bảo vệ dân tộc, thống nhất đất nước, khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Kế thừa sâu sắc truyền thống đó, mỗi người Việt Nam hôm nay vẫn đang kiên quyết không cho kẻ nào xâm phạm chủ quyền vùng đất, vùng trời, vùng biển và hải đảo thân yêu của Tổ quốc. Khi ngoại xâm đã bị đánh bại, dân tộc Việt Nam lại trở về với truyền thống nhân ái, đoàn kết, tương trợ, khoan hồng từ lâu đời. Truyền thống đó đã in dấu trong nếp nghĩ của cộng đồng, lúc hoạn nạn thì chị ngã em nâng, khi khó khăn thì lá lành đùm lá rách. Tinh thần đó được thể hiện trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phổ cập giáo dục...
Gần đây nhất và đang diễn ra là nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của toàn dân đẩy lùi dịch Covid-19, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tính cộng đồng mà biểu hiện cao nhất là chủ nghĩa yêu nước kết hợp với truyền thống anh dũng, mưu trí, nhân ái đã tạo nên cốt lõi của bản sắc dân tộc Việt Nam. Nó được Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh cô đọng trong khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” khi thực hiện những nhiệm vụ cách mạng. Sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi chúng ta tiếp tục phát huy củng cố khối đại đoàn kết vững chắc, để có thể tập hợp và phát huy mọi nguồn lực, tranh thủ những thời cơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét