Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

VIỆT NAM - TẤM GƯƠNG VỀ TÌNH NGƯỜI



Hiện nay, có không ít người đặt câu hỏi: Việt Nam có phải là một quốc gia giàu không? Ngay lập tức có câu trả lời rằng, chưa. Việt Nam có phải là đất nước phát triển không? Rõ ràng đất nước Việt Nam đang phát triển từng ngày, từng giờ, trên mọi lĩnh vực và ở khắp mọi vùng, miền, từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi. Việt Nam có đóng góp gì cho quốc tế, nhân loại hay không? Và những thông tin sau đây là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi này.
Đối với những thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị cả ở trong và ngoài nước thì Việt Nam hiện nay có thể chỉ là một quốc gia nghèo khó, là nước “không đáng sống”. Song, với cái nhìn của những người yêu chuộng hòa bình, trung thực, tôn trọng sự thật và đậm tính nhân văn trên toàn thế giới thì sẽ chẳng nơi đâu có được những điều đặc biệt như ở Việt Nam. Bởi đó là dân tộc sẵn sàng vươn tay cứu giúp đồng bào khắp thế giới khi đồng bào gặp hoạn nạn và đặc biệt sẵn sàng viện trợ, sẻ chia với bất kỳ quốc gia nào đang gặp khó khăn vì “nhân nghĩa”, “tình người” và thậm chí sẵn sàng hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Ngày 05/3/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả nghiên cứu chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 do Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện. Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 4 trên thế giới sau Nhật, Đức, Trung Quốc chế tạo thành công bộ kit này và sẽ sớm đưa vào sản xuất hàng loạt. Ngay sau khi sự kiện này được công bố, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị Việt Nam chia sẻ quy trình nghiên cứu bộ kit phát hiện Covid-19 cho các phòng nghiên cứu khác ở khắp nơi trên thế giới, để chung tay chống lại dịch bệnh. Và Việt Nam đã nhanh chóng chuyển giao kỹ thuật sản xuất bộ kit này. Đó là truyền thống của người Việt Nam, không ích kỷ và sẽ không bao giờ giữ lại cho riêng mình. Trong lúc thế giới nguy nan, Việt Nam luôn sẵn sàng. Bởi người Việt từ ngàn đời nay luôn chân tình, cởi mở với tinh thần “giúp bạn là giúp mình; cứu bạn là cứu mình”.
Thật tự hào và vinh dự, vì ngay cả các quốc gia phát triển hơn như Hàn Quốc, Italy, Pháp... cũng chưa thể nghiên cứu và sản xuất đại trà bộ kit. Hơn thế nữa, khi cơ quan hợp tác y tế lớn nhất toàn cầu và trung tâm kiểm soát dịch bệnh của quốc gia đứng đầu thế giới đã cầu thị trước một quốc gia nhỏ bé và thu nhập của người dân chưa cao như Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi WHO nhận được sự chuyển giao kỹ thuật sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19, các đài phát thanh tiếng Việt ở hải ngoại RFA, RFI, VOA, BBC và hàng loạt trang mạng có máy chủ ở nước ngoài đã vào hùa với nhau để đồng loạt rêu rao rằng: Với trình độ kỹ thuật và công nghệ của Việt Nam hiện nay không thể làm được việc này. Hay, ngay cả như nước Mỹ cũng chưa làm được huống chi là Việt Nam. Lại có trang mạng đặt ra câu hỏi với giọng điệu đầy nghi ngờ và ẩn chứa sự miệt thị, rằng: Một đất nước nghèo như Việt Nam sao không nhân cơ hội xuất khẩu thương mại, bán công thức bộ kit cho WHO hay các quốc gia khác để làm kinh tế, làm giàu cho đất nước thay vì cho không?
Nếu là người ngoại quốc mà hỏi câu này thì đây quả là một câu hỏi tầm thường đến mức ngớ ngẩn và chẳng hiểu gì về đất nước cũng như con người Việt Nam. Còn nếu là người gốc Việt mà hỏi như vậy thì quả thật trong hệ tuần hoàn của người này toàn là bơ và sữa chứ không phải là dòng máu Lạc Hồng. Bởi vì, với người Việt nhân lúc bạn bè khó khăn mà lợi dụng là bất nhân, thấy bạn bè bất lực mà không giúp là bất nghĩa, giữ cho riêng mình là hẹp hòi, ích kỷ. Tuy khó khăn nhưng chắc chắn Việt Nam chẳng đời nào chấp nhận là một quốc gia vừa bất nhân vừa bất nghĩa. Vâng, với điều này thì những thế lực thù địch, phản động, bất mãn và cơ hội chính trị thì dù có ở trong hay ngoài nước cũng chẳng bao giờ hiểu được.
Và cũng chỉ vì kỳ thị và thù địch nên không ít người đã cố tình bịt tai, che mắt để không thấy được việc ngày 09/3, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã thuê hẳn chuyên cơ riêng để đưa con gái NTT về Việt Nam cách ly và điều trị. Mặc dù sống tại Anh, đất nước vô cùng phát triển và hiện đại nhưng vì tin tưởng vào sự kiểm soát dịch, cách chữa trị theo phác đồ riêng của các y, bác sĩ tại Việt Nam mà gia đình ông đã chi một số tiền khủng để con gái có được sự chăm sóc và chữa trị tốt nhất tại Việt Nam, chứ không phải là một quốc gia nào khác. Cũng trong đại dịch Covid-19, ca khúc “Ghen Cô Vy” của nhạc sĩ Khắc Hưng và vũ điệu “rửa tay” của Quang Đăng đã tạo nên một cuộc “Tổng động viên” lớn trên toàn cầu về việc phòng chống Covid-19. Khi bình luận về ca khúc “Ghen Cô Vy” và vũ điệu “rửa tay”, Đài truyền hình Mỹ, Pháp và nhiều nước phương Tây đã không ngớt lời khen ngợi. Một bác sĩ Hàn Quốc lên mạng xã hội viết về ca khúc “Ghen Cô Vy”, rằng: “Lần đầu nghe, tôi cười vì những hành động dí dỏm từ bài hát này. Nhưng khi tôi xem phụ đề tiếng Anh, tôi đã bắt đầu khóc và tưởng tượng rằng nó sẽ có ý nghĩa thế nào nếu tôi thông thạo tiếng Việt. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là bài hát nhắc chúng ta về việc có những con người đang mạo hiểm mạng sống của họ để cứu những người khác”.
Viết trên Twitter sáng 09/4, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Donald Trump cho hay: “Chuyến bay chở 450.000 bộ trang phục bảo hộ giúp phòng chống Covid-19 vừa hạ cánh tại Dallas (bang Texas) sau khi được đưa đến từ Việt Nam. Điều này có được là nhờ các đối tác là 2 công ty lớn của Mỹ - DuPont và FedEx - và những người bạn ở Việt Nam. Cảm ơn các bạn!”. Không chỉ có nước Mỹ, trước đó ngày 07/4, Việt Nam đã trao số hàng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh ở châu Âu là Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Số hàng trao tặng bao gồm 550 ngàn khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn do Việt Nam sản xuất. Và chiều 03/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã trao tượng trưng trang thiết bị y tế là quà của Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ và nhân dân Lào, Chính phủ và nhân dân Campuchia. Các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm Covid-19, với tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng.
Và không chỉ có đồng bào trong nước, mà nhiều người Việt đang sinh sống ở nước ngoài cũng tích cực hoạt động thiện nguyện ở nước sở tại với tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Theo đài BBC, ngày 06/4/2020, số hàng hiến tặng Hệ thống Y tế công (National Health Service - NHS) gồm 50 thùng găng tay và khẩu trang do cộng đồng người Việt gửi tặng đã được Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Anh (VAUK) chuyển tới một khu của NHS ở Dartford, Kent, vùng Đông Nam của London. Đây mới là số hàng đầu tiên và VAUK đang tiếp tục kêu gọi các thành viên và cộng đồng người gốc Việt ở Anh quyên góp cho công tác này. Tại Đức, nhìn cảnh thiếu thốn khẩu trang cho hệ thống y tế của Đức, một số người Việt ở Berlin, Dresden, Hamburg và các nơi khác đã nghĩ ra và phát động phong trào may khẩu trang mang tặng các nơi cần. Phong trào này đã lan rộng, được truyền thông Đức loan tải như một nét đẹp trong cuộc sống chung của cư dân thuộc nhiều nguồn gốc ở Đức.
Nhân nghĩa là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta, là yếu tố cốt lõi hình thành truyền thống văn hóa của người Việt. Phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc chính là giữ gìn nguồn gốc bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời là điều kiện cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Vì, nếu đánh mất văn hóa là đánh mất tất cả, là nguy cơ mất nước. Hiểu rõ điều này, các thế hệ người Việt hôm nay đã và đang kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, với tinh thần sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển./.
  Văn Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét