Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

CHỦ ĐỘNG NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI ÂM MƯU LỢI DỤNG TÍN ĐỒTÔN GIÁO CỦA CÁC PHẦN TỬ CƠ HỘI VỀ CHÍNH TRỊ


 Lợi dụng các vấn đề về tôn giáo mà cụ thể là các tín đồ tôn giáo là âm mưu xảo quyệt của các thế lực thù địch nhằm chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Vì vậy, chủ động nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu này là rất quan trọng, cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Việc lợi dụng các tín đồ tôn giáo để chống phá Đảng và nhà nước ta là một trong những âm mưu, thủ đoạn không mới nhưng lại rất nguy hiểm của kẻ thù và các thế lực thù định, đặc biệt là các phần tử cơ hội về chính trị. Vào trung tuần tháng 5 vừa qua cơ quan điều tra đã có quyết định bắt giữ đối với đối tượng Hoàng Đức Bình, đây là một phần tử phản động, cơ hội, sau khi có các hoạt động vi phạm pháp luật và bị phát hiện ở thành phố HCM, hắn đã bỏ về Nghệ An.  Sau khi trở về Nghệ An, Hoàng Đức Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng. Sau sự cố môi trường biển miền Trung, với tư cách Phó Chủ tịch “Phong trào Lao động Việt”, Hoàng Đức Bình đã xúc tiến, thành lập “Hiệp hội ngư dân miền Trung” với ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân miền Trung tham gia vào tổ chức; tìm chọn “hạt nhân” kích động biểu tình phá rối an ninh, kêu gọi giáo dân gây ách tắc giao thông và bắt giữ người trái pháp luật, xuống đường biểu tình. Không những thế, chúng còn kích động tín đồ, chức sắc các tôn giáo chống lại chính sách của Đảng, Nhà nước, vô hiệu hóa sự quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, gây mất ổn định chính trị - xã hội, nhất là vùng có ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Biển.
Nhìn vào sự việc trên có thể nhận thấy đây là một hình thức chống phá Đảng, Nhà nước ta rất phổ biến của những phần tử cơ hội về chính trị, đồng thời cũng là bài học cho chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế của nhân dân.
Từ tình hình trên, việc chủ động đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tín đồ tôn giáo là nhiệm vụ cấp thiết, cần được tiến hành đồng bộ bằng nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhấttăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Tập trung phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với toàn dân, nhất là chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tôn giáo đối với đồng bào các tôn giáo. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục để đồng bào hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng một số sai lầm, khuyết điểm của chính quyền địa phương để kích động các tín đồ tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam và để đồng bào nhận thức đúng, đề cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, không bị lợi dụng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, thực hiện đúng chính sách, pháp luật Nhà nước.
Thứ hai, Đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả các chương trình, dự án an sinh xã hội; ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết dứt điểm các hạn chế, thiếu sót trong quản lý kinh tế, đối với các vụ việc như sự cố môi trường Biển miền Trung cần có kết luận rõ ràng, quy trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân vi phạm, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nắm được, đặc biệt là tiến hành công tác đền bù thiệt hại, có như vậy thì không kẻ thù nào có thể lợi dụng những tín đồ tôn giáo để chống phá.
Thứ banâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể; chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương. Thực hiện chính sách ưu tiên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, tôn giáo. Đổi mới công tác dân vận ở vùng dân tộc, tôn giáo theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, vững chắc; sử dụng những phương pháp phù hợp với đặc thù từng dân tộc, từng tôn giáo.
Thứ tư, Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực, đặc biệt phải có biện pháp mạnh tay đủ sức răn đe đối với các phần tử cơ hội về chính trị có các hoạt động chống đối Đảng và Nhà nước ta.
Thứ năm, chủ động đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; kịp thời giải quyết tốt các “điểm nóng” liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động lôi kéo đồng bào gây rối, bạo loạn. Cần thường xuyên vạch trần bộ mặt phản động của các thế lực thù địch, phản động để nhân dân nhận rõ và không bị lừa bịp. Đồng thời, vận động, bảo vệ đồng bào các dân tộc, tôn giáo để đồng bào tự vạch mặt những thủ đoạn xảo trá của chúng. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh này. Khi xuất hiện “điểm nóng”, cần tìm rõ nguyên nhân, có biện pháp giải quyết kịp thời, không để lan rộng, không để kẻ thù lấy cớ can thiệp; xử lý nghiêm minh theo pháp luật những kẻ cầm đầu, ngoan cố chống phá cách mạng. Đồng thời, kiên trì thuyết phục, vận động những người nhẹ dạ, cả tin nghe theo kẻ xấu quay về với cộng đồng; đối xử khoan hồng, độ lượng, bình đẳng với những người lầm lỗi đã ăn năn, hối cải, phục thiện.
Vấn đề dân tộc, tôn giáo là rất quan trọng, nhưng cũng rất nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, nhằm mưu đồ chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội. Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.

Tuấn Nghĩa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét