Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

“PHI CHÍNH TRỊ HÓA” QUÂN ĐỘI - CHIÊU BÀI NẰM TRONG CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CỦA CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC VÀ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH



Quan điểm “phi chính trị hóa quân đội”, hay quân đội trung lập, quân đội đứng ngoài chính trị là một trong những chiêu bài nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. 
Sự ra đời, tồn tại của quân đội luôn gắn liền với sự ra đời, tồn tại của nhà nước. Quân đội ở đâu, khi nào cũng là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, nhà nước sinh ra nó. Vì vậy, quân đội luôn mang bản chất giai cấp tổ chức, nuôi dưỡng và sử dụng nó, đồng thời quân đội được xây dựng theo đường lối, quan điểm chính trị, quân sự của giai cấp đại diện cho nhà nước đó. Tuy nhiên, bản chất giai cấp của quân đội không phải là bất biến; sự vận động, phát triển bản chất giai cấp của quân đội bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: giai cấp, nhà nước, các lực lượng, tổ chức chính trị xã hội và việc giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ quân đội.v.v... Do sự tác động của các yếu tố trên mà bản chất giai cấp của quân đội có thể được tăng cường hoặc bị phai nhạt; thậm chí bị biến chất và tuột khỏi tay nhà nước, giai cấp đã tổ chức, nuôi dưỡng quân đội đó.
Những năm qua, quân đội một số nước như Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đảo chính quân sự (hay nói cách khác là sự can thiệp vào chính trường của quân đội). Vậy có phải quân đội trung lập không? Quân đội đứng ngoài chính trị, không theo một đảng phái nào? Rõ ràng là không, bản chất can thiệp của nó đã mang yếu tố chính trị, nhằm lật đổ chính quyền hiện tại và thiết lập chính phủ mới, đưa một đảng khác lên nắm quyền, mục tiêu vẫn là phục vụ và bảo vệ giai cấp thống trị (giai cấp sinh ra nó và nuôi dưỡng nó).
Một số học giả tư sản còn đưa ra luận điểm “Vũ khí công nghệ cao thì quân đội không cần chính trị, bởi vì vũ khí tự động hóa quyết định thắng lợi trên chiến trường”. Đây là luận điểm hoàn toàn sai trái, làm cho chúng ta lầm tưởng quân đội đứng ngoài chính trị, quân đội không cần chính trị. Cần nhận rõ sức mạnh quân sự là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó hai nhân tố cơ bản, quyết định đó là con người và vũ khí trang bị; và suy đến cùng vũ khí trang bị dù hiện đại đến đâu cũng không thể tự giết người, mà chỉ có người sử dụng vũ khí để giết người, cho nên con người sáng tạo và sử dụng vũ khí mới là yếu tố quyết định sức mạnh quân sự.
Lênin đã khẳng định: “Rốt cuộc thắng lợi hay thất bại của cuộc chiến đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”; chính bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu ngoan cường của Hồng quân đã đánh bại 14 nước đế quốc bao vây Liên xô - một nước xã hội chủ nghĩa non trẻ vào năm 1918. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta, ý chí quyết tâm, bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đã thấm vào trong vũ khí trang bị, giúp chúng ta chiến thắng 2 kẻ thù xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Hiện nay, trong bối cảnh khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các học giả tư sản thường rêu rao luận điểm “phi chính trị hóa quân đội”, phủ nhận bản chất giai cấp của quân đội, cho quân đội là công cụ chung của toàn xã hội và kêu gọi quân đội phải đứng ngoài chính trị. Thực chất quan điểm “phi chính trị hóa quân đội” của các học giả tư sản là một thủ đoạn chính trị nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội và từng bước làm cho quân đội suy thoái về chính trị tư tưởng, phai nhạt bản chất giai cấp của quân đội cách mạng. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh tính đúng đắn quan điểm của Lênin, rằng trước đây, hiện nay cũng như sau này quân đội không bao giờ có thể trung lập.
Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời là xuất phát từ chính yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở nước ta. Thực tiễn lịch sử cho thấy, kẻ thù sử dụng bạo lực phản cách mạng để áp bức nô dịch dân tộc ta. Do vậy, muốn giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp chúng ta phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phải cách mạng.
Thực tiễn hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta đã chứng minh: quân đội đã thực hiện đầy đủ và xuất sắc mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, của giai cấp và của toàn dân tộc, lập nên những chiến công hiển hách trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, quân đội có vai trò hết sức nặng nề. Quân đội đã chứng tỏ bản lĩnh của mình, luôn là đội quân cách mạng, lực lượng chính trị, công cụ vũ trang sắc bén của Đảng, có sức chiến đấu cao, sẵn sàng đánh bại kẻ thù, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
                                                                                    
   LÊ ĐÌNH AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét