Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy, nâng tầm được cả thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên với GDP gần 400 tỷ USD và gần 100 triệu dân. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Ổn định chính trị - xã hội được đảm bảo trên cơ sở củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường vững chắc. Đất nước hội nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện. Nhìn tổng thể, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Chiến lược đối ngoại của Việt Nam đặt trong tổng thể đường lối phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; gắn kết hài hòa, chặt chẽ, có hiệu quả với đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đặt sự phát triển của đất nước vào dòng chảy của thời đại, từ đó xây dựng, triển khai các đường lối, chính sách phù hợp, phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần không ngừng sáng tạo, đổi mới tư duy trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và xu thế thời đại, nắm vững thời cơ, giành thắng lợi từng bước, từ phá thế bao vây cấm vận, tiến tới chủ động thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, thiết lập các khuôn khổ hợp tác bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ Đổi mới là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII đã đề ra, đối ngoại cần tiếp tục đổi mới tư duy và phương thức tổ chức hoạt động, cần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện và thống nhất của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với đối ngoại và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, quán triệt sâu sắc, toàn diện, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng bằng các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, củng cố tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống, trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn nữa đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực phát huy vai trò, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự kinh tế - chính trị quốc tế; đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác liên nghị viện quốc tế và khu vực (như AIPA, IPU), APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong, cũng như trong các vấn đề quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện của Việt Nam.
Kết hợp chặt chẽ giữa các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh để tạo thế chân kiềng vững chắc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước; giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khoa học, lý luận ngoại giao Việt Nam; đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời thúc đẩy và nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, du lịch…, qua đó đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; triển khai đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, kết hợp hiệu quả nguồn lực bên ngoài với các nguồn lực trong nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân, triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác công tác người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự gắn kết chặt chẽ, phát huy được tối đa các nguồn lực, sức mạnh tổng hợp cho phát triển đất nước. Đồng thời, mở rộng, nâng cao hiệu quả và đưa các mối quan hệ đối ngoại Đảng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng chính trị cho quan hệ giữa nước ta với các nước; tạo lập sự đồng thuận và hậu thuẫn chính trị của các chính đảng và các lực lượng chính trị đối với sự nghiệp đổi mới; củng cố, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng xã hội hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức nhân dân với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác trong hoạt động đối ngoại. Cần kiện toàn và nâng cao hiệu quả của các cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực đối ngoại, nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với thế và lực của đất nước không ngừng được củng cố qua 35 năm đổi mới, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chắc chắn trong thời gian tới công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của chúng ta sẽ đạt những thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, góp phần đưa đất nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét