Trong phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”, bên cạnh một số bị cáo thừa nhận cố tình gợi ý để doanh nghiệp chi tiền thì cũng có bị cáo cho rằng, hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn sau khi thực hiện thành công chuyến bay.
Tuy nhiên, bản luận tội của viện kiểm sát nhân dân xác định, đây thực chất là hành vi nhận hối lộ bởi các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, số tiền các bị cáo nhận rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng, bằng cả gia tài của nhiều người. “Cần nhận thức đúng để loại bỏ vấn nạn “phong bì” ra khỏi đời sống xã hội”, đại diện viện kiểm sát nhân dân nêu quan điểm.
Từ hành vi nhận tiền của các bị cáo nói trên và những vụ việc tương tự xảy ra thời gian qua cho thấy, vấn nạn “phong bì” vẫn đang tồn tại phổ biến. Đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, việc nhận “phong bì” của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ dường như đã trở thành thói quen, khiến điều không bình thường này đã trở thành bình thường trong đời sống xã hội.
Nhận “phong bì” trước hoặc trong quá trình làm việc rồi hứa hẹn giải quyết thủ tục nhanh chóng; nhận sau khi hoàn thành công việc với danh nghĩa “cảm ơn”- cho dù hình thức, bối cảnh nào thì xét đến cùng cũng đều là hành vi tiêu cực, cần nhận diện rõ và đấu tranh ngăn chặn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét