Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

LOẠI BỎ TƯ TƯỞNG BÀN LÙI VỀ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

 Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải “đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo”.

Xuất phát từ thực tiễn kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được thấm sâu vào từng cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên để loại bỏ ngay tư tưởng bàn lùi.

1. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần phân tích, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có “quá mạnh” hay chưa? Câu trả lời là tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy lùi, nhưng vẫn còn nhức nhối, diễn biến phức tạp.

Bằng chứng là sau nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn được đưa ra ánh sáng; nhiều cán bộ, kể cả cao cấp phải chịu những hình phạt thích đáng trước pháp luật; nhưng những vụ án mới vẫn xuất hiện với quy mô, tính chất thậm chí còn lớn hơn như các vụ án vẫn còn “nóng” trong dư luận: Vụ Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố… Điều đó cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không những cần được duy trì mà còn phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

Tham nhũng, tiêu cực là một loại tội phạm; đấu tranh loại trừ tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, trước hết là của hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên. Hành vi tham nhũng, tiêu cực không những đi ngược lại những giá trị căn bản của xã hội, con người, mà còn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Những năm qua, nhất là hai nhiệm kỳ gần đây, nhờ loại khỏi bộ máy những “con sâu, con mọt”, mà tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

2. Cho nên, không những phải loại bỏ tư tưởng bàn lùi, mà chúng ta còn phải bàn tiến, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để làm được điều đó, trước hết, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm khắc phục triệt để tình trạng nhận thức mơ hồ, méo mó, lệch lạc trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Cần tổ chức nghiêm túc việc nghiên cứu, học tập tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Đồng thời cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả; đồng thời, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; xây dựng văn hóa liêm chính… Tất cả phải hướng tới mục tiêu để hình thành cơ chế mà trong đó cán bộ không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng.

Trước mắt tập trung loại bỏ những biểu hiện làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ an toàn, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm; sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét