Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

AN NINH CON NGƯỜI - NỀN TẢNG CỦA THỊNH VƯỢNG

 Tầm nhìn đến năm 2050 Việt Nam xác định trở thành nước phát triển với chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc và quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Để đạt được mục tiêu trên, cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia thông qua quản trị tốt 5 nguồn lực: tài chính, tài nguyên, sản phẩm vật chất, nhân lực và xã hội.

Theo các nhà kinh tế hiện đại, sự giàu có và khả năng cạnh tranh của quốc gia được tạo ra chứ không phải được kế thừa. sự thịnh vượng và sức cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng đổi mới, vào động lực phát triển của thị trường bao gồm sự tương tác hiệu quả của 3 chủ thể: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. 

Tuy nhiên, đổi mới và sáng tạo lại là nguồn lực phát triển quan trọng nhất của con người, là sự khác biệt nhất của nguồn lực con người so với 4 nguồn lực còn lại. Đây cũng là phẩm chất tuyệt vời mà ngay cả các tr.í t.u.ệ nh.â.n t.ạ.o (AI) hoàn hảo nhất cũng không bao giờ đạt được.

Phẩm chất đổi mới và sáng tạo của nguồn vốn con người được thể hiện qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp cùng với sự phát minh ra cơ chế thị trường đã đem lại một cuộc sống và xã hội thịnh vượng hơn rất nhiều so với tổ tiên của chúng ta. Nguồn vốn nhân lực được xem là tài sản quan trọng nhất của bất kỳ quốc gia nào và đầu tư vào con người luôn là điều tất yếu trong phát triển năng lực quốc gia vì nó vừa là nguồn lực, vừa là mục tiêu cuối cùng của mọi nền kinh tế. 

Trên thế giới, ý tưởng mở rộng khái niệm an ninh từ an ninh quốc gia sang từng cá nhân con người lần đầu tiên được đưa ra bởi ủy ban độc lập về giải trừ quân bị và các vấn đề an ninh vào năm 1982. Báo cáo của UNDP (Chương trình phát triển của liên Hợp Quốc) năm 1994 là một ấn phẩm mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực an ninh con người, với lập luận rằng bảo đảm các nhu cầu thiết yếu và an toàn cho tất cả mọi người là con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề toàn cầu. Nó đã mở ra một lối thoát cho việc định nghĩa lại về mặt học thuật đối với an ninh con người. 

Trong đó, cách tiếp cận an ninh con người đã tập trung lại cuộc tranh luận về an ninh từ an ninh lãnh thổ sang an ninh người dân. Ý tưởng này, được Đại hội đồng liên Hợp Quốc tán thành vào năm 2012, đã mời các học giả an ninh và các nhà hoạch định chính sách nhìn xa hơn việc bảo vệ quốc gia - dân tộc để bảo vệ những gì chúng ta quan tâm nhất trong cuộc sống: nhu cầu cơ bản, sự toàn vẹn về thể chất, phẩm giá con người.

Ở Việt Nam, khái niệm “an ninh con người” lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016). Đến nay, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong 7 nội dung liên quan đến an ninh con người (kinh tế, lương thực, y tế, môi trường, cá nhân, cộng đồng và chính trị). Đó là tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5 - 2%/năm, đến năm 2020 còn dưới 3%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt 90,7%, tăng mạnh so với năm 2015 (76,5%) vượt mục tiêu đề ra (80%). Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…; Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung “quyền con người” vào tên chương so với Hiến pháp năm 1992…

Vấn đề “an ninh con người” mới đây đã được đề cập rõ trong nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội XIII với định hướng: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, phân minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người…”. Định hướng này cũng cho thấy mối liên hệ giữa con người và xã hội là rất mạnh mẽ.

Phát triển con người và xã hội trong xu hướng mới

Để góp phần thực hiện tốt định hướng của Đảng và chính sách của Chính phủ, nên chăng chúng ta cần tăng cường 5 nội dung nghiên cứu để phát triển con người và xã hội trong xu hướng mới của các biến đổi địa chính trị, kinh tế, môi trường và công nghệ.

Hơn nữa, cũng cần nhận thức thế hệ thách thức mới đã xuất hiện dưới dạng đại dịch và biến đổi khí hậu cũng như mức độ xung đột gia tăng (khoảng 1,2 tỷ người vẫn đang sống trong các khu vực bị ảnh hưởng xung đột) và sự tồn tại bất bình đẳng trong phát triển con người…

Nguồn lực xã hội: Bao gồm cả thể chế chính trị, các mạng lưới xã hội rộng lớn và các tổ chức quần chúng. Hiện nay, quan điểm đề cao quá mức lợi ích của tập thể một cách chung chung, trừu tượng đang làm hạn chế lớn đến nguồn lực xã hội và làm cho thể chế, cấu trúc bộ máy hành chính từ bộ ngành đến tỉnh, thành phố cồng kềnh, cơ chế vận hành thiếu hiệu quả và làm chậm tiến trình cải cách tiền lương gây ra các vấn đề xã hội bức xúc như: tham nhũng, tệ nạn xã hội, tội ác... 

Ngoài ra, cấu trúc doanh nghiệp còn lạc hậu, thiếu đổi mới và các tổ chức quần chúng xã hội nặng tính phong trào, dẫn đến năng suất lao động thấp và văn hóa bị xói mòn trong các thể chế tổ chức xã hội của đất nước.

Chính vì vậy, cần có sự tinh giản và phân cấp mang tính đột phá trong hệ thống hành chính để bảo đảm hiệu quả công việc và môi trường làm việc tốt cho công chức. Thể chế cấu trúc của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cần liên tục đổi mới và phát triển bắt kịp xu hướng thị trường cạnh tranh lành mạnh và xã hội văn minh. Áp dụng công nghệ số chắc chắn sẽ hỗ trợ đắc lực việc đào tạo, kết nối và thực thi hiệu quả cho quá trình chuyển đổi này.

Xã hội công bằng và hòa bình: An ninh con người trong kỷ nguyên nhân sinh mới (Anthropocene) phải vượt ra ngoài việc bảo đảm an ninh cho các cá nhân và cộng đồng của họ, hướng tới nghiên cứu một cách có hệ thống, phụ thuộc lẫn nhau giữa con người với con người; giữa con người với hành tinh. 

Trong quá trình đó, các nguyên tắc bảo vệ, phân quyền và sự đoàn kết làm việc cùng nhau sẽ thúc đẩy không những văn hóa xã hội tích cực và lành mạnh mà còn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng xã hội công bằng và hòa bình.

Vinh danh: Sự công nhận, cho dù đó là dưới hình thức giải thưởng, tiền thưởng, thăng chức, tăng lương hay một lời “cảm ơn” đơn giản sẽ giúp các cá nhân và tổ chức thấy được sự quan tâm xã hội; đặc biệt nếu điều đó được thực hiện một cách chân thực và nhất quán. Quá trình đó sẽ xây dựng được niềm tin và sự chuẩn mực của mọi người vào mục đích chung cũng như chọn lựa được các cá nhân có đức, có tài cũng như mô hình tổ chức mẫu mực, đóng góp thiết thực vào phát triển toàn diện con người và xã hội hiện đại.

An ninh lương thực và quốc phòng: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp và sự xung đột của các thế lực cạnh tranh trong khu vực, việc quy hoạch tổng thể trung tâm lương thực đồng bằng sông Cửu long, Biển Đông và các vùng biên giới Việt Nam, nên chăng phải là ưu tiên của chính sách phát triển kinh tế - xã hội đất nước để bảo đảm an ninh lương thực và quốc phòng nhằm hướng tới an ninh con người Việt Nam một cách bền vững trong tiến trình hội nhập với thế giới. Có chính sách thực hiện tốt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Cop 26./. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét