Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN – BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


Những năm gần đây, vào dịp Ngày Tự do báo chí thế giới (3-5) hằng năm, hay kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), trên nhiều trang mạng trong và ngoài nước cũng như một số phương tiện truyền thông quốc tế đã có những đánh giá sai lệch, xuyên tạc thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.

Thực tế, trong chiến lược chống phá chế độ xã hội, Nhà nước ta, các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường lợi dụng quyền con người (QCN), đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, báo chí và tự do Internet để vu cáo Việt Nam là “chế độ độc tài toàn trị”; “Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế về quyền con người mà họ đã ký kết”, “Việt Nam kiểm soát và kiểm duyệt gắt gao báo chí, tự do Internet”; Việt Nam “bắt bớ nhiều blogger”; “bịt miệng những người… yêu nước”. Bên cạnh đó họ còn thành lập một số tổ chức nhân danh báo chí như: “Phóng viên không biên giới”, “The project 88”… để đấu tranh cho cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”. Gây sức ép đòi thả tự do cho các đối tượng bị cơ quan chức năng bắt giữ do vi phạm pháp luật Việt Nam như: Trần Thị Tuyết Diệu, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Đoan Trang,… Sâu xa hơn là lợi dụng danh nghĩa đấu tranh “tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống đối lật đổ chính quyền.

Cần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn tuân thủ luật pháp quốc tế.

Vậy thực chất quyền tự do ngôn luận báo chí ở nước ta như thế nào?

Ngay từ ngày 9/11/1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều, trong đó, quyền tự do ngôn luận được hiến định ở Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Kế thừa quy định về quyền tự do ngôn luận từ bản Hiến pháp đầu tiên, các văn kiện của Đảng, các bản Hiến pháp các năm 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định và hiện thực hóa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Thực tế, đến hết năm 2020, Việt Nam có 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động, 779 cơ quan báo chí , 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet cũng chiếm 70%. Số người dùng Facebook tại Việt Nam (năm 2020) có 69.280.000 người, chiếm 70,1% dân số. Sóng của những hãng thông tấn, báo chí lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam.

Những minh chứng trên cho thấy, rõ ràng, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam là không thể phủ nhận, xuyên tạc. Và những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đây là lẽ đương nhiên, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét