Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO TRONG VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN, DÂN TỘC, TÔN GIÁ


Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo, cần tích cực và chủ động trong đấu tranh ngoại giao, chủ động triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế mạnh mẽ, toàn diện hơn, phát huy tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam; đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam.

Trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Bên cạnh những cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để tăng cường năng lực bảo đảm các quyền của người dân, còn nảy sinh những thách thức từ việc một số thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta, nhất là trong vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.

Với phương châm chủ động trong công tác đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực nhân quyền, Việt Nam đã ban hành Sách trắng về thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam, trong đó đề cập đến nhiều chính sách và quan điểm đúng đắn, thành tựu trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo ở nước ta. Đồng thời, tăng cường chủ động thông tin đối ngoại về vấn đề dân tộc, tôn giáo, thông qua các cơ chế đối thoại đa phương và song phương. Việc nghiên cứu về dân chủ, nhân quyền trong quan hệ quốc tế và rút ra bài học kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực này là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm góp phần nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong đấu tranh trên lĩnh vực đối ngoại.

Chủ động và tích cực trong đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực nhân quyền nói chung, dân tộc, tôn giáo nói riêng là phương thức hiệu quả trong tình hình hiện nay, đặc biệt thông qua các kênh ngoại giao chính thức (ngoại giao nhà nước), ngoại giao Đảng (đối ngoại Đảng) và ngoại giao nhân dân. Đây là các kênh quan trọng trong việc đấu tranh nhằm bảo vệ và khẳng định các giá trị nền tảng của chế độ, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, tăng cường đối thoại chính sách và học thuật giữa chính giới, các nhà thực thi chính sách và pháp luật, các nhà khoa học trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, thông qua các kênh chính thức và không chính thức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy và tăng cường đấu tranh hiệu quả đối với các vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành 16 vòng đối thoại với Mỹ, 18 cuộc đối thoại với Liên minh châu Âu (EU), 8 cuộc đối thoại với Ô-xtrây-li-a, 9 cuộc đối thoại với Na Uy, Thụy Sĩ...; đồng thời, tham gia nhiều diễn đàn quốc tế liên quan đến dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc. Ngoài việc tham gia các cuộc đối thoại chung, Việt Nam cũng đã tiến hành và tổ chức các cuộc đối thoại song phương định kỳ với các nước và khu vực, bao gồm Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Na Uy, Liên minh châu Âu (EU),...đặc biệt là tăng cường đối thoại với Mỹ và EU để đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”(CPC). Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm (từ năm 2015 đến nay) Việt Nam đã tiến hành 6 cuộc đối thoại về nhân quyền với Mỹ, 5 cuộc đối thoại với EU, 3 cuộc với Na Uy, 4 cuộc với Thụy Sỹ.

Chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh chung về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo tại các cơ chế và diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, nhằm góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam; cùng các nước tích cực đấu tranh bảo vệ và phát huy các nguyên tắc, nội dung tiến bộ về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Đồng thời, tích cực sử dụng các cơ chế vận động (vận động hành lang) để tác động đến chính giới; vận động hình thành và thúc đẩy các nhóm nghị sĩ, chính khách ủng hộ Việt Nam. Trong đấu tranh, cần có các biện pháp tác động đến cả ba nhóm đối tượng ở Mỹ và các nước phương Tây: 1- Chính quyền; 2- Quốc hội; 3- Các tổ chức xã hội, tôn giáo và tổ chức phi chính phủ nói chung.

Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, những thuận lợi và thách thức to lớn đang đặt ra đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có vấn đề đấu tranh chống những luận điệu vu cáo, xuyên tạc về quan điểm, lập trường, tư tưởng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những vấn đề dân tộc, tôn giáo nếu không được xử lý triệt để và hiệu quả sẽ trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc tăng cường các giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, cấp thiết đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định và sự phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét